【bd kq truc tuyen】Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án vay lại qua VDB
Kết quả thanh tra để minh bạch thông tin
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN), Bộ Tài chính Trương Hùng Long cho biết, hội nghị được tổ chức với mục đích trao đổi, đánh giá công tác phối hợp kiểm tra, giám sát các dự án sử dụng nợ công giữa Cục QLN và TCĐN với Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị trong Bộ Tài chính, trong đó có các dự án cho vay lại qua VDB.
Đồng thời, hội nghị cũng đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án vay lại không chịu rủi ro tín dụng qua VDB trong bối cảnh Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, và vai trò của VDB đối với các dự án vay lại không chịu rủi ro tín dụng được tăng cường hơn nữa theo quy định của Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, ông Trương Hùng Long phát biểu định hướng thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Thông tin tại hội nghị, ông Long cho biết, VDB là ngân hàng chính sách nhà nước chuyên làm nhiệm vụ tiếp nhận quản lý nguồn vốn cho vay lại các dự án vay vốn nước ngoài.
Hiện nay VDB đang nắm giữ và giải ngân khoảng 60% vốn ODA cho vay lại của Việt Nam. Tổng dư nợ hiện nay cho vay lại khoảng 12 tỷ USD, trong đó vốn VDB trên khoảng 10 tỷ USD, điều đó cho thấy rất quan trọng đối với các dự án trọng điểm.
Cũng theo ông Trương Hùng Long, Luật Quản lý nợ công năm 2017 đặt ra nhiệm vụ giao cho VDB là ngân hàng duy nhất được thực hiện cung cấp sử dụng nguồn vốn ODA cho vay lại theo hình thức cho vay không chịu rủi ro. Trong Luật Quản lý nợ công 2017 đặt ra rất nhiều yêu cầu quản lý khác với Luật năm 2009 trong đó có vấn đề tăng cường hiệu quả, tăng cường công tác minh bạch, kiểm tra, giám sát… liên quan tới cho vay lại và vay ODA ưu đãi.
Chính vì vậy, việc thanh tra, kiểm tra gắn liền với quá trình quản lý cần tiếp tục được duy trì, trong đó tiếp tục chia sẻ thông tin trong quá trình kiểm tra, giám sát,..
"Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra sẽ giúp cho Cục QLN&TCĐN chứng minh được tính minh bạch thông tin khi báo cáo tình hình thực hiện Luật Quản lý nợ công tới Chính phủ, Quốc hội…", ông Long nhấn mạnh.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, ô ng Đặng Ngọc Tuyến trình bày kinh nghiệm về thanh tra, kiểm tra, giám sát dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Ảnh: Đức Minh |
Thảo luận tại hội nghị về giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nói chung, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn các dự án, tiêu chí đánh giá hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, tạo cơ sở để đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch trong ký kết hiệp định, bảo đảm quyền lợi của phía Việt Nam trong tiếp nhận nguồn vốn.
Đồng thời, các đại biểu cũng nêu rõ việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cần gắn với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công. Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công và các văn bản pháp luật liên quan.
Các đại biểu cũng cho rằng cần tập trung nguồn lực đầu tư cho những lĩnh vực có tính đột phá, có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội thiết thực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo khả năng trả nợ; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Dư nợ vốn vay nước ngoài tại VDB hơn 152,98 nghìn tỷ đồng
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Trang, Phó Tổng giám đốc VDB cho biết, tính đến 31/8/2018, dư nợ vốn vay nước ngoài tại VDB hơn 152,89 nghìn tỷ đồng (trong đó cho vay lại theo ủy quyền của Bộ Tài chính được hơn 151,61 nghìn tỷ đồng; cho vay lại VDB chịu rủi ro tín dụng khoảng 1.275 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp so với dư nợ vay.
Phó Tổng Giám đốc VDB, ông Nguyễn Chí Trang thông tin về tình hình hoạt động của VDB trong việc cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Ảnh: Đức Minh |
Cũng theo ông Trang, cho đến thời điểm này, VDB đã thực hiện tốt vai trò cơ quan cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2015, VDB đã thu hồi tổng số nợ vay với giá trị bình quân khoảng 9.000 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2016 – 2017 tổng số thu hồi nợ bình quân hàng năm tăng lên, đạt 13.400 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh kết quả đạt được, cùng với sự biến động của nền kinh tế thị trường thì nợ xấu đã xuất hiện ở các chương trình/dự án VDB cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng. Mặc dù quy mô nợ xấu không lớn và đã từng bước được kiểm soát nhưng việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tài chính – tín dụng cho Chính phủ Việt Nam. Một số dự án chậm tiến độ kéo dài, tăng vốn đầu tư nhiều dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, gây thất thoát, lãng phí của cải, vật chất cho xã hội.
Chính vì vậy, Phó Tổng giám đốc VDB cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát các chương trình/dự án VDB cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả đầu tư của các chương trình/dự án, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án cũng như trả nợ để hỗ trợ tháo gỡ và ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro.
Đức Minh