Ðồng hành cùng nông dân
Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, cho biết, đến hết ngày 31/8, diện tích lúa thu hoạch của nông dân gần 14.400 ha, tương đương 50% tổng diện tích lúa hè thu toàn huyện. Năng suất bình quân của trà lúa năm nay đạt khá, 5,2 tấn/ha.
“Ðịa phương luôn đồng hành cùng bà con để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là ở ngành hàng lúa gạo. Tuy nhiên, dịch bệnh tác động tiêu cực đến tất cả các khâu, từ thu hoạch, vận chuyển đến thu mua của thương lái, giá cả thị trường biến động... nên vẫn còn phải tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc”, ông Tuấn chia sẻ.
Vận chuyển lúa thương phẩm sang ghe thương lái thu mua lúa ngoài tỉnh tại ấp Phạm Kiệt, xã Khánh Bình. |
Ðể chủ động hỗ trợ nông dân, huyện Trần Văn Thời đã xây dựng phương án thu hoạch, tiêu thụ lúa hè thu chủ động ứng phó mọi tình huống. Bài học kinh nghiệm về thời tiết mưa nhiều, ngập úng của năm trước được đặc biệt chú ý. Ðịa phương đã rà soát, huy động hơn 200 máy gặt đập, hơn 50 thùng máy suốt lúa tại chỗ để điều tiết, giúp bà con thu hoạch lúa kịp thời. Trong tình huống bất lợi nhất, địa phương sẽ huy động các lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội để hỗ trợ ngay cho người dân. Chuẩn bị 7 lò sấy lúa tập trung công suất lớn, sẵn sàng giúp người dân xử lý, bảo quản, lưu kho khi đầu ra gặp khó.
Về đầu ra cho lúa hè thu, huyện có 8 hợp tác xã đứng đầu mối thu mua tại chỗ và kết nối tiêu thụ cho nông dân. Có 13 công ty, tập đoàn ngoài tỉnh và 2 công ty trong tỉnh tham gia thị trường thu mua, tiêu thụ lúa cho bà con. Trong điều kiện thực hiện siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thương lái thu mua ngoài tỉnh phải chấp hành nghiêm các quy định tại địa phương. Theo đó, huyện tổ chức các bến tập kết thu mua lúa ở ngoài vàm kênh cho phương tiện từ tỉnh khác đến neo đậu. Toàn bộ người trên các phương tiện thu mua ngoài tỉnh không được di chuyển. Các khâu thu mua, phương thức thanh toán, vận chuyển lúa được người đầu mối và nhân lực tại địa phương hỗ trợ.
Ðiều phấn khởi là năm nay thời tiết khá thuận lợi cho vụ thu hoạch lúa. Qua rà soát, hầu hết nông dân đã tìm được đầu ra cho lúa, chỉ một số ít gặp khó khăn vì không chủ động đặt cọc trước với thương lái. Thêm nữa, một bộ phận người dân có tâm lý lo xa, trữ lại một phần sản lượng lúa thu hoạch để gia đình sử dụng.
Ông Tuấn đánh giá: “Nhìn chung, dù khó khăn nhưng đầu ra cho lúa vẫn tương đối ổn, lượng lúa ùn ứ không nhiều. Nông dân Trần Văn Thời trúng vụ, tuy nhiên giá lúa bắt đầu có chiều hướng giảm. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp năm nay cao hơn từ 10-20%, do đó lợi nhuận thu về của nông dân không nhiều”.
Gỡ khó đầu ra
Ông Ðặng Minh Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lộc, cho biết: “Diện tích sản xuất lúa của xã khoảng 1.700 ha, thu hoạch được 1.300 ha, năng suất cao. Khó khăn vẫn là trong việc tiêu thụ lúa khi thương lái ngoài tỉnh vào thu mua vướng các thủ tục, quy định phòng, chống dịch Covid-19”. Cũng theo ông Sơn, với người dân đã đặt cọc trước thu hoạch, tiêu thụ dễ dàng nhưng thương lái thoả thuận để mức giá thấp hơn một chút so với giao kèo. Với người dân không đặt cọc, hiện việc tiêu thụ khó khăn hơn, bà con phải mang lúa ra các lò sấy để xử lý, ký gởi kho hàng, chờ tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Hận, chủ lò sấy lúa ấp Rạch Ruộng A, xã Khánh Lộc, chia sẻ: “Bà con đem lúa lại sấy, gởi kho nhiều. Một phần các đầu mối đã thu mua chờ tình hình thị trường ổn định mới xuất bán, còn lại là lúa của bà con. Công suất lò sấy của tôi là 120 tấn/ngày đêm, kho lưu được 2.000 tấn, đang hoạt động hết công suất. Thu mua năm nay khó khăn hơn vì ghe vùng ngoài vô còn lo thủ tục, giấy tờ, tuân thủ quy định chống dịch. Thêm nữa là quy trình thu mua năm nay cũng qua nhiều khâu, tốn kém hơn”.
Lò sấy công suất 120 tấn/ngày đêm, kho chứa hàng 2.000 tấn của ông Nguyễn Văn Hận, ấp Rạch Ruộng A, xã Khánh Lộc hoạt động hết công suất. |
Những nông dân vừa trúng vụ lúa chưa hết mừng đã lo về giá bán. Ông Nguyễn Minh Trân, ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, bộc bạch: “Lái đặt cọc 5.200 đồng/kg lúa, giờ mua 5.100 đồng/kg, mình cũng phải chịu thôi, vì năm nay thu mua khó khăn hơn mọi năm nhiều lắm”.
Cùng hoàn cảnh trên, lão nông Mai Văn Nhung, ấp Ðộc Lập, xã Khánh Lộc, buồn so: "Ðặt cọc tới 5.400 đồng, mà mua còn có 5.000 đồng thôi. Thêm nữa, giá phân, thuốc chăm bón cho lúa lên cao quá. Năm nay ruộng trúng mà chắc chỉ phá huề, có lời thì 1 công chắc được vài trăm ngàn đồng”.
Khó khăn nhất hiện nay của huyện Trần Văn Thời là đầu ra cho rau màu, khi thương lái thu mua nhỏ lẻ, các chợ tạm dừng hoạt động, bà con nông dân không tìm được đầu ra.
Bà Cao Thanh Nho, ấp Ðộc Lập, xã Khánh Lộc, lo lắng: “Nhà tôi trồng nhiều loại rau, hổm rày có bán được gì đâu. Lứa rau cần, ngò om già quá, giờ thu được nhiêu thì mang bán lòng vòng, còn lại chắc cũng cắt bỏ để lên đợt mới”.
Ông Hồ Văn Trường, ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc bỏ luôn khoảng 2 tấn khổ qua tới lứa vì không bán được, rầu rầu: “Cũng đành chớ phải làm sao. Tới lứa bán thì giãn cách, lái nghỉ hết, ai đâu vô mua”.
Mặt hàng cá bổi, sản phẩm OCOP của huyện Trần Văn Thời cũng vào mùa thu hoạch, tuy nhiên giá cả và thị trường khá ảm đạm.
Ông Phan Văn Linh, ấp Ðộc Lập, xã Khánh Lộc vừa thu hoạch hơn 1 tấn cá bổi, giá bán 50.000 đồng/kg cá loại 1. Ông chia sẻ: “Tới lứa thu hoạch thì giá cả thấp chút cũng bán. Dịch giã này mình xoay xở được cái gì hay cái đó, ai cũng khó, biết làm sao”.
Ðể hỗ trợ nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản, huyện Trần Văn Thời đã vận dụng nhiều giải pháp. Qua rà soát, địa phương có gần 600 thương lái nhỏ lẻ thu mua rau màu, trong đó có 29 chủ mối lớn.
Các mặt hàng rau màu, cá bổi gặp khó đầu ra, giá cả biến động. |
Ông Duy Quốc Tuấn cho biết: “Hiện với 29 chủ vựa này, huyện đang động viên tăng công suất hoạt động vì bà con có khả năng tự chủ về phương tiện, các đầu mối bán nông sản. Tuy nhiên, theo thói quen sản xuất, tiêu thụ lâu nay của bà con, khi các lái nhỏ lẻ nghỉ thì đầu ra cho nông sản ngay lập tức bị vướng”.
Cà Mau đã có chủ trương kết nối tiêu thụ nông sản thị trường trong tỉnh giữa các địa phương. Theo ông Tuấn: “Việc này là phù hợp, nhưng triển khai gặp khó. Các địa phương hiện nay vẫn chưa kết nối được với nhau, cần đầu mối cấp tỉnh, kèm theo đó là chủ trương bằng văn bản quy định cụ thể hơn. Ðiều quan trọng là phải hình thành được chuỗi cung cầu theo quy luật thị trường để chủ thể nông dân và thương lái trong tỉnh tham gia”./.
Phạm Hải Nguyên