Chính phủ trình 2 phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần - Ảnh: NAM TRẦN
Sáng nay (17-8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Chính phủ trình 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Trước đó, Chính phủ đã có tờ trình về dự án này. Trong đó, đáng chú ý, liên quan vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo luật đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Nhóm 1 là người lao động đã tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận một lần. Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận một lần sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung.
Nhóm 2 là người lao động bắt đầu tham gia từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) không được nhận một lần.
Với phương án 1, trong những năm đầu, số người hưởng một lần không giảm nhiều nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng một lần so với giai đoạn vừa qua.
Việc này giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Vì vậy trong dài hạn, phương án này là tối ưu hơn.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ.
Phương án này hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù số lượt người hưởng một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng một lần, họ cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại.
Bên cạnh đó, người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ với quyền lợi hưởng cao hơn.
Phương án này giúp người lao động có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.
Theo Chính phủ, đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.
Tuy nhiên, phương án này cũng có nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Tình trạng hưởng một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.
Vì vậy, Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án trên.
Tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp
Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho hay còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần.
Còn thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định.
Do đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động, thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp vấn đề này.
Tiếp tục rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác, đánh giá toàn diện về cả bối cảnh, điều kiện thực tiễn về đời sống, tâm lý của người lao động, dư luận xã hội để quyết định phương án...
Cùng với đó đề nghị cân nhắc để nghiên cứu quy định rõ ràng hơn để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động, cần thiết bổ sung điều khoản chuyển tiếp hợp lý.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến./.
Theo Chính phủ, giai đoạn 2016 - 2022, tổng số lượt người hưởng bảo hiểm một lần khoảng 4,5 triệu. Trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tham gia bảo hiểm xã hội. |
Theo TTO