【keongacai】Nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển
Các đại biểu tại phiên thảo luận Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. |
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng, ý nghĩa của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 và thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên khai mạc Diễn đàn?
TS. Trần Du Lịch: Chủ đề Diễn đàn năm nay rất đúng, trúng khi chọn vấn đề về "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững". Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều khó khăn, các phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phát biểu đề dẫn của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã nêu bật được các vấn đề thực tế đang đặt ra.
Nền kinh tế Việt Nam tuy có tăng trưởng tốt so với bối cảnh chung của thế giới, là một điểm sáng trong bức tranh màu xám, nhưng chúng ta cũng đứng trước thách thức ghê gớm. Tôi đồng tình với nhiều phát biểu cho rằng, chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam đứng trước khó khăn như hiện nay, đòi hỏi phải có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Tôi cũng rất ấn tượng với phát biểu đề dẫn cho rằng, vấn đề lớn hiện nay là làm sao tạo niềm tin cho doanh nghiệp, để từ đó ổn định thị trường, phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, các thảo luận chuyên đề tại Diễn đàn đã phân tích chi tiết về các vấn đề kinh tế - xã hội, nhất là tình trạng lao động mất việc làm, an sinh xã hội… đặt ra những bài toán cần tháo gỡ. Từ những thảo luận, phân tích sắc sảo, cụ thể tại Diễn đàn, tôi kỳ vọng các đề xuất, giải pháp được nêu ra sẽ đi vào được các quyết sách của Quốc hội, Chính phủ, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững.
PV:Mặc dù đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai, song như các phát biểu đã nêu, chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như hiện nay. Vậy vấn đề nằm ở đâu, thưa ông?
TS. Trần Du Lịch:Vừa qua chúng ta đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, song như trong tham luận của tôi tại Diễn đàn đã phân tích rõ một số vấn đề.
Trước hết là phải tạo ra môi trường kinh doanh mà trong đó doanh nghiệp thấy được rõ rằng họ làm như vậy là đúng, là yên tâm, một môi trường pháp lý mà cả bộ máy hành chính có thể tin tưởng họ làm đúng, chuẩn xác. Đây là điều cực kỳ quan trọng mà trong nhiều trường hợp ta chưa làm được.
Về nguyên tắc, Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Tất cả các quy định của Nhà nước về một vấn đề không thể hiểu khác nhau. Phải quy trách nhiệm đối với những cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mà nội dung mập mờ, có thể hiểu khác nhau khi áp dụng.
Thứ hai là, để nâng cao năng lực nội sinh, điều quan trọng là nâng cao chất và lượng của doanh nghiệp Việt. Hiện nay chúng ta cần vốn nước ngoài, nhưng nội lực doanh nghiệp Việt mới là cốt yếu. Thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt phải là mục tiêu của các chính sách, trong đó tập trung nhiều hơn vào bảo vệ thương hiệu, sở hữu trí tuệ, quyền tài sản…
Vấn đề nữa là những cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực trong nước. Ví dụ như Nghị quyết 98 của Quốc hội cho TP. Hồ Chí Minh là điển hình để huy động nguồn lực trong nước ở các hình thức khác nhau để thúc đẩy đầu tư, có như vậy thì mới hướng tới được mục tiêu đầu tư công là dẫn dắt, thu hút đầu tư tư nhân… Đây là những vấn đề mấu chốt cần được thể hiện bằng chính sách cụ thể.
PV:Liên quan đến cơ chế đặc thù cho các địa phương “đầu tàu”, theo ông đây có phải là xu hướng cần tập trung để khơi dậy động lực tăng trưởng cho cả nước?
TS. Trần Du Lịch:Việc triển khai Nghị quyết 98 chỉ là bước đầu, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến TP. Hồ Chí Minh, mà các đô thị, địa phương và cả Chính phủ phải mạnh dạn hơn trong mở rộng phân cấp, phân quyền, đặc biệt là về quản lý kinh tế, tăng trách nhiệm, tăng tính năng động, sáng tạo của địa phương.
Hiện nay, hệ thống thể chế Việt Nam được thiết kế với tư duy phát triển kinh tế theo địa giới hành chính với tầm nhìn của từng ngành. Các quy định được thiết kế, vận hành chung cho cả nước, rất hạn chế những thiết kế có tính đến điều kiện, đặc điểm riêng của từng vùng.
Điều này dẫn đến, sự bất cập, không đồng bộ của các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản; ảnh hưởng đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn vùng. Phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện tạo thực tiễn cho từng địa phương. Chúng ta thiếu khuôn khổ thể chế để huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng trong khi phân bổ nguồn lực ngân sách hạn chế và thiếu trọng tâm.
Đồng thời, giới hạn trong các khuôn khổ thể chế cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các địa phương trong việc xin - cho các cơ chế, chính sách đặc thù. Nói nôm na, mô hình quản lý nhà nước ở nước ta kiểu như “ đan một cái lưới để đánh mọi loại cá” nên dẫn đến tình trạng địa phương nào cũng cố xin “cơ chế đặc thù”.
Dĩ nhiên, việc thí điểm chính sách ở một địa bàn trong 3 năm là cần thiết. Nhưng chính sách tạo động lực, mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương cần là xu hướng mà chúng ta phải triển khai.
PV:Xin cảm ơn ông!
Cải cách sẽ không hiệu quả nếu thiếu tư duy hệ thống Theo TS Trần Du Lịch, nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển nếu tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, mà trước hết là tư duy Nhà nước làm thay thị trường và mặt khác ở thái cực bắt thị trường làm thay Nhà nước (lạm dụng hình thức xã hội hóa). Vấn đề đặt ra là, nếu thiếu tư duy hệ thống về quản lý nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường, thì mọi nỗ lực cải cách riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả, mà sự mâu thuẫn và phức tạp ngày càng tăng thêm. “Khi đặt ra một nội dung quản lý chúng ta cần đặt ra câu hỏi: quản lý để đạt mục đích gì? Đây là việc của Nhà nước hay việc của thị trường? Nhà nước không làm thay thị trường, nhưng cũng không thể bắt thị trường làm thay việc của Nhà nước” - ông Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII, XIII. |