Học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP Cà Mau lựa chọn giờ ngoại khoá bằng hình thức đọc sách tại Thư viện tỉnh Cà Mau. |
Thật ra, dịch Covid-19 chỉ là chất xúc tác để xu hướng trên bộc lộ nhanh hơn, rõ ràng hơn mà thôi. Việc đọc trên nền tảng công nghệ số đã được không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đề ra lộ trình, có chiến lược, quyết sách hẳn hoi.
Quyết định số 206/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành ngày 11/2/2021 đã thể chế hoá, tạo hành lang pháp lý về văn hoá đọc thời kỳ 4.0 tại Việt Nam.
Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau Lý Hoàng Vũ: “Ðó là xu thế tất yếu, phù hợp và đã hội tụ đầy đủ điều kiện chín muồi, tạo ra bước ngoặt cho hoạt động thư viện nói riêng và văn hoá đọc nói chung”. Ngay tại Thư viện Cà Mau, việc chuyển đổi số được khởi đầu vào năm 2017, nên không có bất cứ sự bỡ ngỡ nào. Như lời ông Vũ: “Thư viện Cà Mau nằm trong số ít thư viện thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ động chuyển đổi số, đáp ứng kịp thời sự thay đổi thói quen đọc của độc giả”.
Về dự án chuyển đổi sang thư viện số, thư viện điện tử, Thư viện Cà Mau đã thực hiện số hoá các tài liệu địa chí địa phương, phục vụ nhiệm vụ chính trị, giúp độc giả tiếp cận, khai thác dễ dàng thông qua trung tâm dữ liệu của đơn vị. Tại đây, Thư viện tỉnh có công cụ thống kê truy cập, có khả năng kết nối toàn hệ thống với các thư viện vệ tinh ở tuyến huyện, thành phố. Theo đó, ổn định lượt truy cập hàng ngày dao động khoảng 2.000 lượt người với xu hướng tăng tiến dần. Trong khi đó, lượt đọc tại Thư viện tỉnh, hàng ngày chỉ ở mức 100-200, trong khi các thư viện vệ tinh, hầu như rất ít lượt người đến đọc theo phương thức truyền thống.
“Con số trên lệch hơn 10 lần giữa phương thức đọc trực tuyến và đọc truyền thống có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới”, theo nhận định của ông Vũ.
Phân tích ưu điểm của phương thức đọc trực tuyến trên nền tảng Internet qua các thiết bị hiện đại, ông Vũ cho rằng: “Thư viện điện tử tất nhiên cần có những điều kiện cơ bản về công nghệ để tiếp cận, nhưng bây giờ, đó không còn là vấn đề nữa. Việc quản lý, truy cập, khai thác trên thư viện điện tử rõ ràng, thuận tiện, tiết kiệm hơn rất nhiều so với cách thức truyền thống”. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc chuyển đổi tài liệu từ sách in sang tài liệu số còn liên quan đến bản quyền tác giả. Vấn đề này Quyết định số 206 của Thủ tướng Chính phủ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, hệ thống thư viện số vì thế vẫn cần phải chờ những quy định mới để làm phong phú, toàn diện nguồn tài nguyên.
Tại Cà Mau, Thư viện tỉnh đã phân loại đối tượng độc giả, ưu tiên hàng đầu của thư viện số là dành cho học sinh, sinh viên. Ông Vũ cho biết, sẽ triển khai thư viện số thông qua việc cấp tài khoản truy cập rộng rãi cho đối tượng này, phục vụ nhiệm vụ học tập, nghiên cứu trong thời gian sớm nhất. Vấn đề này cũng trở nên thuận lợi hơn, khi ngành giáo dục thời gian qua đã chuyển đổi mạnh mẽ các hình thức học tập trực tuyến.
Tất nhiên, văn hoá đọc không phải chuyển một cách triệt để sang xu hướng công nghệ số, mà vẫn phải đồng thời phát huy được giá trị của phương thức đọc truyền thống. Thời điểm hiện tại, câu chuyện này liên quan đến nhu cầu, điều kiện và lựa chọn của từng đối tượng độc giả. Trên thực tế, vẫn có một lượng độc giả trung thành, tìm kiếm những trải nghiệm thú vị bằng việc đọc sách in. Bắt kịp xu hướng là hợp lý, nhưng cũng không vì thế mà cổ suý cho những lối đọc hời hợt hoặc chạy theo tâm lý đám đông.
Văn hoá đọc 4.0 cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu độc giả không đủ bản lĩnh tiếp nhận. Không ít người khi tiếp cận sách, tài liệu, báo chí trên nền tảng số quá dễ dàng, thường có tâm lý đọc lướt, đọc không chú tâm, ít ghi nhớ và nảy sinh tâm lý thụ động, ỷ lại. Do không giới hạn về không gian, thời gian, nguồn tài nguyên vô tận, nhiều người sẽ không lựa chọn được những thông tin chính thống, hoặc bị thu hút, hấp dẫn với các thông tin lệch lạc, xấu độc, từ đó ảnh hưởng đến nền tảng kiến thức, thậm chí là nhân cách. Nguy cơ này lại dễ xảy ra với những đối tượng là học sinh, sinh viên - những người chưa có đầy đủ nền tảng và bản lĩnh tiếp nhận.
Như đã nói, văn hoá đọc, dù là hình thức nào đi nữa, cũng với một mục tiêu hướng con người đến giá trị chân - thiện - mỹ. Ðã có thời kỳ, muốn đọc sách, người ta phải chép tay sách để truyền nhau đọc. Hiện nay, sách chỉ cần một cú ấn chuột là có sẵn. Ðó là sự thay đổi của công nghệ, của sự phát triển xã hội. Nhưng niềm đam mê tri thức, mở rộng giới hạn của đường chân trời hiểu biết là một hằng số bất biến của con người. Văn hoá đọc, cách đọc, cách thâu nhận tri thức, nói cho cùng chỉ là phương tiện. Lựa chọn thông thái của độc giả mới là vấn đề cốt yếu nhất./.
Phạm Quốc Rin