Ngày 20/9,áicấutrúcnềntàichínhquốcgiahướngđếnpháttriểnnhanhvàbềnvữtỷ lệ tây ban nha tại Hà Nội, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 được tổ chức với chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam”.
Diễn đàn được Bộ Tài chính tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) và Liên minh châu Âu thông qua Dự án Hiện đại hóa tài chính công. Đây là diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017.
Chủ trì có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ông Michael Greene - Giám đốc quốc gia của USAID tại Việt Nam, ông Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Diễn đàn Tài chính Việt Nam quy tụ khoảng 300 đại biểu đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và các tổ chức quốc tế bao gồm: Cơ quan USAID, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Viện Nghiên cứu chính sách (Bộ Tài chính Nhật Bản)… các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.
Tái cấu trúc mạnh mẽ nền tài chính quốc gia
Diễn đàn nhằm tập hợp trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý để cùng thảo luận, chia sẻ các nghiên cứu, quan điểm để hình thành một hệ thống luận cứ khoa học cho việc đề xuất, kiến nghị về tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Đại diện Bộ Tài chính và tổ chức quốc tế điều hành diễn đàn. Ảnh: T.T |
Phát triển nhanh, toàn diện và bền vững là xu hướng, mục tiêu và mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước xuyên suốt từ Đại hội X đến nay và được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Trong quá trình tái cấu trúc nền tài chính quốc gia, chủ trương này cũng được thể hiện trong các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước. Theo đó, hệ thống khung khổ chính sách pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) đã từng bước được đổi mới, hoàn thiện nhằm mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam.
Trong những năm qua, công tác tái cấu trúc nền tài chính quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, và công bằng xã hội. Các cấu phần của nền tài chính quốc gia đã được từng bước được tái cấu trúc nhằm phát triển đất nước theo hướng nhanh, toàn diện và bền vững.
Chính sách thuế đã được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu huy động nguồn lực phục vụ các chương trình phát triển kinh tế, trong bối cảnh một số nguồn thu giảm như: thu từ dầu thô, thu từ nhập khẩu (do thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết thương mại tự do)… Quy mô thu NSNN được mở rộng, tổng thu ngân sách năm 2017 tăng, tạo điều kiện để tăng chi đầu tư đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, cơ chế về phân cấp ngân sách được điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động của các địa phương. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn do được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ trọng các khoản thu gắn trực tiếp với hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tổng thu NSNN.
Cơ cấu chi NSNN cũng được điều chỉnh theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển với việc đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn lực đầu tư, chi cho y tế, giáo dục nhằm mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội...
6 thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề đặt ra để hướng tới phát triển nhanh, toàn diện và bền vững nền tài chính quốc gia.
Đại diện ban tổ chức diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: T.T |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, tái cơ cấu tài chính công để góp phần tăng trưởng nhanh, toàn diện và bền vững là nhiệm vụ then chốt, quan trọng đối với lĩnh vực tài chính.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, sau 3 năm tái cơ cấu tài chính công, đã đạt được những kết quả tích cực. 3 năm qua đã chặn đứng được đà giảm sút của việc huy động nguồn lực từ thuế, phí vào NSNN, đã phục hồi tỷ lệ động viên vào NSNN, tạo thuận lợi thương mại, tạo môi trường để huy động vốn đầu tư, chống chuyển giá, chống xói mòn thuế.
Bội chi được kiểm soát từ 5,12% GDP vào năm 2015 xuống còn 3,6% GDP năm 2016. Cùng với đó, nợ công được kiểm soát tốt hơn, cuối 2017, chỉ còn trên 61% GDP. Nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát dưới 50%. Cùng với đó tăng được tỷ trọng chi đầu tư phát triển, từ 21 - 22% đến nay đã đạt được 26 - 27%...
Bên cạnh đó là những cải cách quan trọng về thể chế. Theo đó, hệ thống luật pháp tài chính đã được xây dựng phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, trên cơ sở phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Một số luật quan trọng được ban hành trong thời gian qua như: Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp… đã đáp ứng được các tiêu chí này.
Một trong những thành công trong quá trình tái cấu trúc nền tài chính công được Thứ trưởng Bộ Tài chính nhắc đến đó là những thành công trong cải cách thủ tục hành chính của ngành Tài chính, trọng đó lĩnh vực thuế, hải quan, được các tổ chức quốc tế nhận định và đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, bên cạnh những thành công, chúng ta cần nhìn nhận lại các thách thức, đặc biệt trong 3 năm tới để từ đó đề xuất những giải pháp, hướng đến một nền tài chính công phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Thứ trưởng đề cập tới 6 thách thức trong tái cấu trúc nền tài chính công của Việt Nam.
Thứ nhất, thách thức lớn nhất là tỷ lệ động viên vào NSNN từ thuế phí mặc dù đã chiếm khoảng 27% GDP nhưng chưa bền vững. “Các khoản thu nội địa năm 2017 chiếm khoảng 82% tổng thu, song một bộ phận thu nội địa ở địa phương còn phụ thuộc vào việc bán tài sản công. Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại còn là nguy cơ lớn” - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Thứ hai, cơ cấu về ngân sách tuy có chuyển biến nhưng hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công và NSNN đang là thách thức lớn.
Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản trị và quản lý vốn nhà nước tại khu vực doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả tài sản công quốc gia.
Thứ tư, dù nợ công đã được cải thiện, nhưng các khoản nợ dự phòng, những rủi ro về tỷ giá, nợ dự phòng bảo lãnh của nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp vẫn tiếp tục là thách thức lớn trong thời gian tới.
Thứ năm, cần xây dựng thể chế để giải quyết được thách thức lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là chi phí vốn khu vực doanh nghiệp.
Thứ sáu, cần nâng cao kỷ luật kỷ cương tài chính, công khai, minh bạch về tài chính- ngân sách.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị các diễn giả tham luận để có giải pháp về thể chế cũng như về tổ chức thực hiện, giải quyết những thách thức để đảm bảo mục tiêu tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam.
Toàn cảnh diễn đàn tại phiên họp sáng 20/9. Ảnh: T.T |
Ông Michael Greene - Giám đốc quốc gia của USAID tại Việt Nam đã có bài phát biểu tại diễn đàn. Theo ông Michael Greene, Việt Nam đã chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ trở thành nước có thu nhập trung bình và là nước có sự phát triển ấn tượng. Bộ Tài chính có nỗ lực to lớn củng cố ngân sách và chi tiêu của Chính phủ Việt Nam. Đây chính là cơ sở cho tái cấu trúc nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
USAID đã và đang hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong cải cách thể chế tài chính để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, với mục tiêu chung là thúc đẩy sự tự cường của quốc gia.
Ông Michael Greene bày tỏ vui mừng vì đây là sự kiện thường niên được Bộ Tài chính phối hợp với một số cơ quan tổ chức, ông tin tưởng sự hợp tác của Bộ Tài chính và USAID sẽ tăng cường trong thời gian tới.
Ông Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn đại diện Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng đã có phát biểu tại diễn đàn. Ông chúc mừng Việt Nam và Bộ Tài chính vì suy nghĩ cởi mở về tương lai tài chính của Việt Nam và những cải cách thời gian qua.
“Liên minh châu Âu coi cải cách tài chính công ở Việt Nam là quan trọng. Là nước có thu nhập trung bình nhưng Việt Nam phải đảm bảo cung cấp dịch vụ tài chính công bằng cách tăng nguồn thu trong nước và quản lý tài chính hiệu quả. Liên minh châu Âu muốn giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, vấn đề về thuế và quản lý tài chính trong chuyển đổi nền kinh tế xanh” - ông Bruno Angelet nói.
Thành công của Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2018 sẽ là động lực quan trọng để Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính trong các năm tiếp theo, mở rộng không gian khoa học của ngành Tài chính, tạo tiền đề cho những sáng kiến đối với các vấn đề về kinh tế - tài chính đang được quan tâm./.
Minh Anh