【giải bóng đá nhật】Khéo léo giữ nghề may áo dài
(CMO) Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nghề may áo dài vẫn trụ vững và phát triển. Cốt cách của nghề này được lưu truyền từ những đôi bàn tay khéo léo giữ lửa nghề và có cả tâm huyết, sự sáng tạo trong từng đường kim mũi chỉ.
Quê gốc ở huyện Trần Văn Thời, chị Dư Kiều Tiên (46 tuổi ở Phường 5, TP Cà Mau) lên TP Cà Mau lập nghiệp và gắn bó với nghề may áo dài truyền thống gần 30 năm.
Chị Kiều Tiên kể: “Năm 16 tuổi, tôi bắt đầu theo chị Hai học nghề may. Hồi ấy ban đầu tôi chỉ học may áo kiểu, sơ mi hay quần tây thôi. Sau đó, bắt gặp chiếc áo dài tự nhiên tôi muốn may thử và từ đó yêu nghề may áo dài. Vì yêu thích chiếc áo dài nên tôi khăn gói lên Sài Gòn tìm sư học đạo. Khó khăn tìm thầy học, chỉ sau 2 tháng sau tôi đã tự tin may hoàn thành chiếc áo dài truyền thống”.
Chị Kiều Tiên luôn tỉ mỉ, khéo léo giữ lửa cho nghề may áo dài. |
Theo như lời chị Kiều Tiên, may các loại áo, quần khác chỉ cần cắt, ngồi bên chiếc máy may là có thể dễ dàng hoàn tất, nhưng chiếc áo dài thì công phu hơn nhiều. Ngoài các công đoạn cắt, ráp, may máy lại thì phần cuốn bìa áo phải dùng kim may tay và người làm phải thành thạo mới có thể may theo đúng yêu cầu. Công phu, tỉ mỉ, khéo léo là vậy nhưng nghề may áo dài vẫn có nét rất riêng mà người thợ thật sự yêu nghề mới tạo được phong cách riêng.
“May áo dài thấy vậy chứ không hề đơn giản. Mỗi dáng người là một số đo khác nhau. Cắt áo dài phải nhìn vào dáng người mới có thể đo và may đúng được. Người dáng cao, lùn, vai ngang, vai thấp, lưng tôm hay không, có eo hoặc không có… Do vậy, loại đồ gì có thể may công nghiệp, chứ áo dài khó may. Để khách mặc áo dài đẹp, đòi hỏi người may phải hiểu dáng người, tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người thợ phải quan sát tỉ mỉ và khéo léo”, chị Tiên tâm sự.
Nghề may áo dài luôn đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ. |
Niềm đam mê và sự thành công của chị được minh chứng qua số lượng khách hành đặt may áo dài tại cửa tiệm của chị. Mỗi tháng chị nhận may từ 600-700 chiếc áo dài. Dù có 8 người thợ phụ, nhưng chị phải đích thân đo, cắt, sau đó mới đưa cho thợ phụ ráp hoàn thành. Do vậy, những dịp đầu năm học mới, ngày lễ hướng về phụ nữ... là cửa tiệm của chị phải hoạt động hết công suất mới có thể giao đồ đúng hẹn cho khách.
Khi được hỏi vì sao chị lại chọn may áo dài mà không phải may các kiểu khác, chị cười: “Tôi thích chiếc áo dài”. Câu trả lời của chị như gói trọn tâm huyết với nghề. Chị nói, mặc dù vướng phải bệnh nghề nghiệp do ngồi may quá lâu, nhưng đối với chị, chiếc áo dài không chỉ là nguồn sống của gia đình mà còn là niềm yêu thích của chị. Và hơn hết chị Tiên đang đầu tư cho con gái thứ hai của mình theo ngành thiết kế thời trang, với mong muốn truyền nghề lại nhưng con phải có kiến thức chuyên môn để phát huy nghề truyền thống lên tầm cao mới, phù hợp với xu thế thời thượng.
Cũng là người thợ gắn bó với nghề may áo dài ngót gần 20 năm, chị Nguyễn Kim Đồng, 43 tuổi, ngụ Phường 5, TP Cà Mau, luôn lấy chữ tâm đặt lên nghề.
Chị Đồng tâm đắc: “Bất cứ nghề nào cũng vậy, phải đặt chữ tâm lên hàng đầu mới có thể trụ vững với nghề đã chọn. Bởi, khách may đâu chỉ ghé lại một lần, do vậy, mỗi đường kim mũi chỉ, tuy nhận tiền công nhưng may phải thật sự chất lượng thì mình mới có thể tồn tại lâu. Thợ may áo dài dần thưa bớt vì mấy đứa trẻ tuổi ít chịu gắn bó với nghề này. Người thợ may áo dài phải dành cả khối óc lẫn đôi tay thì mới có thể thành công. Đôi tay khéo léo là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tinh tế, sáng tạo trong mỗi đường kim mũi chỉ”.
Chiếc áo dài luôn gắn liền với người phụ nữ Việt Nam. |
Để hoàn thành chiếc áo dài, người thợ phải ngồi liên tục mới có thể tự tay hoàn thành. Công đoạn nhiều, tỉ mỉ cao nên người không đam mê khó gắn bó lâu bền với nghề này. Đối với chị Đồng, mỗi người thợ bước vào nghề là một câu chuyện nghề khác nhau, nhưng chung quy lại phải thật sự có niềm đam mê mới thành công. Nghề may như làm dâu trăm họ, mỗi người khách là một trải nghiệm. Một điều quan trọng là phải chiều lòng khách, mặc dù việc này đòi hỏi sự khéo léo, khi chẳng may gặp khách khó tính.
Để phù hợp với xu thế thời trang hiện đại, năng động, chiếc áo dài được cách tân nhiều đường nét hơn. Vẫn hình dáng chiếc áo dài xưa nhưng áo không cổ, áo và quần ngắn hơn, chiếc áo dài cách tân có thể được phối khác màu, mặc chung với váy ngắn… Mỗi giai đoạn thời trang, chiếc áo dài mang nét chấm phá cho nghề may áo dài. Để thấy rằng, người may áo dài không ngừng đổi mới, sáng tạo, tỉ mỉ hơn để đưa chiếc áo dài ngày càng thời thượng, phù hợp với từng lứa tuổi, ngành nghề...
Chiếc áo dài truyền thống gắn liền với người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo tôn dáng thướt tha, dịu dàng của người phụ nữ Việt nhưng đồng thời kín đáo, sang trọng. Ngày nay, chiếc áo dài đã xuất hiện với nhiều diện mạo mới, nhưng đó là sự sáng tạo của người thợ may. Họ mong muốn chiếc áo dài luôn thể hiện được sự quý phái, đỉnh cao thời trang và ngày càng vươn xa hơn nữa để nghề may áo dài tiếp tục giữ lửa, cống hiến cho thời trang Việt./.
Hằng My