Phó Thủ tướng: "Sinh viên ra trường phải có khả năng làm việc thực tiễn"
Mỹ Hà(Dân trí) - "Sinh viên tốt nghiệp phải là chuyên gia, có khả năng làm việc trong môi trường thực tiễn. Khi các nhà tuyển dụng đánh giá cao, tìm kiếm sinh viên ĐH Lâm nghiệp, đây là bằng chứng về sự thành công".
Trên đây là chia sẻ của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường ĐH Lâm nghiệp, diễn ra tại Hà Nội ngày 16/11.
Gửi lời chúc mừng tới thầy trò nhà trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho rằng, trường là đơn vị đầu ngành của cả nước về đào tạo nguồn nhân lực ngành lâm nghiệp cho đất nước.
"Với những đóng góp to lớn cho ngành, cho đất nước, nhà trường đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương độc lập hạng nhất, Huân chương lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác", Phó Thủ tướng nói.
Để bắt kịp xu thế thời đại, Phó Thủ tướng đề nghị Trường ĐH Lâm nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn chặt với thực tiễn.
Sinh viên tốt nghiệp của trường phải là những chuyên gia chất lượng về lâm nghiệp, vừa có kiến thức, nền tảng vững chắc, vừa có kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm đa dạng và khả năng làm việc trong môi trường thực tiễn.
Nhà trường cần trang bị cho các em hành trang đầy đủ để sẵn sàng bước vào thị trường lao động đầy thách thức và có khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các nhà tuyển dụng.
"Chất lượng đào tạo của trường phải được kiểm nghiệm bởi tính hấp dẫn của đội ngũ sinh viên ra trường, bước vào đời. Khi các nhà tuyển dụng đánh giá cao và say sưa tìm kiếm sinh viên ĐH Lâm Nghiệp, đây là bằng chứng về sự thành công", Phó Thủ tướng khẳng định.
Cũng theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng cực đoan, nhà trường cần nghiên cứu về biến đổi khí hậu và thích ứng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững; phát triển công nghệ lâm nghiệp và chế biến lâm sản thế hệ 4.0; nghiên cứu về dịch vụ, hệ sinh thái và giá trị phi gỗ của rừng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và AI trong phát triển, bảo vệ rừng…
Nhà trường cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thường xuyên cập nhật, nắm bắt xu hướng nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Hợp tác quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng giúp nhà trường mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, để vượt lên so với các cơ sở đào tạo đại học trong khu vực và quốc tế.
Tại buổi lễ, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, những thành tựu nhà trường đạt được, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là khu vực trung du, miền núi.
Năm học 2024-2025, nhà trường đào tạo 28 ngành bậc đại học, 12 ngành thạc sĩ, 6 chuyên ngành tiến sĩ và bậc trung học phổ thông.
Tổng số người học các hệ, bậc đào tạo của trường gần 13.000 người, gồm: 9.000 sinh viên đại học, 1.200 học viên cao học, 55 nghiên cứu sinh, 2.670 học sinh THPT.
Chia sẻ về những thành công và hợp tác giữa hai đơn vị trong nhiều năm qua, TS. Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO) cho rằng, ĐH Lâm nghiệp có vai trò quan trọng, ý nghĩa to lớn, không chỉ về cây, về đất rừng, về nước…, mà cả hệ sinh thái nơi chúng ta đang sinh sống.
Ngành lâm nghiệp ngày nay vượt xa qua khỏi ranh giới của khoa học và thực hành, ở đó giải quyết những vấn đề thuộc quy mô toàn cầu, phục vụ phát triển bền vững, giảm thiểu những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học các vấn đề sinh thái.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới rất vui mừng được chung tay hợp tác ý nghĩa và hiệu quả với nhà trường để giải quyết những thách thức quan trọng trước vấn nạn đốt phá rừng, biến đổi khí hậu.
"Thông qua các hợp tác, chúng ta cùng nhau nỗ lực để thúc đẩy các hoạt động rừng bền vững hay những thách thức trong biến đổi khí hậu toàn cầu thời gian tới", TS Rémi Nono Womdim nói.