Bạch Mã đã trở nên thân thương và gần gũi. Cầu Hai là một không gian rộng lớn với nhiều điểm đến. Mục Bài mới lạ và đáng yêu. Nó là tên một con khe,ềCầbảng xếp hạng series a một thời là nơi gặp gỡ của người dân địa phương và khách lên về Bạch Mã. Mà cái vùng Cầu Hai này, có lắm khe và nhiều suối. Vào gần núi, có những con khe trong vắt, mùa hè tắm mà vẫn mát lạnh người và Mục Bài là một trong số đó.
Đầm Cầu Hai. Ảnh: Văn Đình Huy
Tôi đặc biệt thích cái không gian của Cầu Hai, được bao bọc bởi núi đồi trùng điệp và vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Nó lại được giới hạn phía bắc và phía nam bởi 2 con đèo là Mũi Né và Phước Tượng. So với Hải Vân hay Phú Gia, Mũi Né chỉ xứng đáng là con dốc nhỏ. Vậy nhưng, ít có người biết chính Mũi Né lại là địa giới phân chia tổng Lương Điền xưa thành vùng thượng và hạ. Lương Điền thượng là xã Lộc Điền, vùng Truồi nằm dưới sông Truồi, hiện còn có các làng cùng mang tên Lương Điền là Lương Điền thượng và Lương Điền đông. Còn Lương Điền hạ chính là Cầu Hai, có đến 8 làng cả thảy. Tôi biết, cũng chẳng còn mấy ai nhớ về cái tên và vùng đất Lương Điền xưa, nay chỉ còn là hoài niệm.
Khách xa như tôi đến hỏi về cái tên Cầu Hai, nghe cùng chung câu trả lời, là để ghi nhận nơi đây có 2 chiếc cầu ô tô và xe lửa thời Pháp thuộc. Kỳ thực tên gọi Cầu Hai bắt nguồn từ 2 tiếng Cao Đôi. Làng Cao Đôi có từ thời cụ Dương Văn An, ngót nghét đến nay cũng đã hơn 500 tuổi, cùng lúc với làng Diêm Trường, Phụng Chánh hay Vinh Hòa ở phía khu III Phú Lộc hay Minh Nông (Nong, tức xã Lộc Bổn), Ba Lỗi (Truồi, xã Lộc An). Có người rành chữ Hán giải thích với tôi, rằng Cao Đôi là “đồi cao”. Trong tiếng Việt lại còn có nghĩa là “hai” nên có người ta mới đọc trại thành Cao Hai, dần dần thêm dấu cho dễ đọc, thành Cầu Hai.
Đọc “Ô Châu cận lục” cứ vương vấn mãi lời nhận xét chắc như đinh đóng cột của người xưa “Dâu tốt Cao Đôi, lá biếc rườm rà”. Và, tôi đã tưởng tượng ra trước mắt mình một vùng quê yên bình và trù phú, đẹp đến lạ lùng. Lúc trước đọc qua sách vở chỉ biết có làng Cao Đôi Xã, về Cầu Hai mới hay còn có Cao Đôi Ấp, Cao Đôi Sách. Lại cứ tưởng như làng Dạ Lê của tôi hay làng Thanh Thủy của mạ tôi, có Dạ Lê Thượng và Dạ Lê Gót, Thanh Thủy Thượng và Thanh Thủy Chánh, cùng một ông tổ mà ra. Cao Đôi lại khác. Giữa năm, tôi tìm lên Cao Đôi Ấp. Hỏi răng làng mình có quan hệ chi với Cao Đôi Xã, Cao Đôi Sách hay không, ông Trương Phiên, một thầy giáo trường làng cười to, bảo có chi mô. Rồi ông nói, nhưng mà cùng từ Bắc và Thanh – Nghệ vào cả mà. Thì ra, tên làng Cao Đôi là do các làng nằm dọc theo sông Cầu Hai (cũng là sông Cao Đôi) mà có. Xã, ấp hay sách cùng là đơn vị hành chính. Xã là làng lớn, ấp nhỏ hơn, còn sách nằm ở vùng cao, phía trên sông Cầu Hai.
Chuyển huyện lỵ Phú Lộc từ Sư Lỗ Đông về Cao Đôi xã vào đầu thế kỷ XX, vua Thành Thái đã đặt nền móng cho sự phát triển mới của vùng đất Cầu Hai. Không lâu sau đó, người Pháp phát hiện, xây dựng Bạch Mã thành khu du lịch nổi tiếng đến tận bây giờ. Và có lẽ, câu ca tôi thích "Xe lên Bạch Mã/Xe về Cầu Hai…” ra đời từ đây. Lên Bạch Mã là lên với bạt ngàn núi rừng, nơi có cảnh trí hùng vĩ với các đỉnh núi cao lơ lửng giữa tầng mây và những con thác đại ngàn. Còn về Cầu Hai là về với đồng bằng yên ả, có những xóm thôn thơ mộng, bàng bạc trong khói lam chiều nơi ven đồi, ven phá. Hai khung cảnh tương phản, tạo nên không gian đa dạng, đa sắc và đa chiều. Lên ở vùng cao có chim muông, thú rừng, tương truyền còn có cả loại dâu sặt, chỉ búng một cái là vỏ rời ra, ăn rất thanh vị, ngọt ngọt, chua chua. Còn về nơi đồng bằng, ven phá có con heo cỏ, con cá đồng, con cua gạch, con cá đầm phá, mùi vị thơm ngon.
Tôi chưa có dịp lên tận thượng nguồn, nhưng nơi hạ lưu con sông Cầu Hai tôi đã bắt gặp những tên làng, tên xóm mộc mạc và thân thương. Đó là các tên làng Đông Lưu, Gia Cốc, Tuần Lương, Võng Trì… hay các xóm Mè, xóm Mối, xóm Làng… Hôm rồi về Cầu Hai gặp ông Lê Tấn Trung ở làng Tuần Lương nghe ông kể chuyện về làng mình. Tuần Lương vốn là Hoàn Lương có từ đầu triều Nguyễn. Năm Thành Thái thứ nhất, quan Tuần Vũ tỉnh Ninh Bình là ngài Tôn Thất Úy về hưu đã xin sang nhượng lại làng Hoàn Lương. Được triều đình chấp thuận, ông cùng với con trai chiêu mộ một số người là con cháu các quan lại, đội vệ trong triều ở xung quanh Kinh thành Huế về đây sinh sống cùng với người dân bản địa. Năm Thành Thái thứ ba, triều đình đã ban sắc chỉ xã hiệu là Tuần Lương xã, một trong hai đại xã ở vùng Lương Điền hạ, cùng với Cao Đôi. Tuần Lương là câu chuyện về "đất lành chim đậu" của vùng đất Cầu Hai.
Làng Tuần Lương có xóm Rùa, nơi có con rùa đá ở vùng ruộng sâu, bàu trũng, to như cái nong phơi lúa. Có nhiều giả thiết xung quanh con rùa đá kỳ lạ này, tuy nhiên đáng chú ý là ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cho rằng đây là miếu thờ Đông Hải đại vương Nguyễn Phục. Bi kịch xảy ra khi trong một trận chiến bình Chiêm vào năm 1470, Nguyễn Phục theo vua Lê Thánh Tông. Thuyền Vua đi trước, thuyền lương do Nguyễn Phục dẫn đầu theo sau, qua cửa Tư Hiền. Khi thuyền Vua tới bãi Nam an toàn, thì thuyền lương gặp bão, ông phải neo thuyền ở bờ phá Cao Đôi (đầm Cầu Hai). Nguyễn Phục bị kết phạm quân luật và đã bị trảm. Tương truyền trên đường rút quân, sau khi thắng lớn, đoàn thuyền gặp gió lớn, vua Lê Thánh Tông mộng thấy Nguyễn Phục đến chầu vua và hứa phù trì đoàn quân về Thăng Long an toàn... Vua hối lỗi, quyết định phong Nguyễn Phục làm phúc thần. Từ Bắc chí Nam, có 72 nơi lập miếu thờ Nguyễn Phục và ở Cầu Hai là một trong số đó.
Mỗi lần đi xe từ Huế về Cầu Hai, tôi vẫn thường vọng nhìn ra phía cánh đồng, nơi có linh vật rùa đá. Và trong tôi là một không gian Cầu Hai bàng bạc, mênh mang, đầy huyền thoại. Cách không xa con rùa đá, ngược lên phía Huế có cây đa Đá Bạc 300 tuổi, vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam. Cạnh Tuần Lương, nơi làng Cao Đôi xã có ngôi chùa Cảnh Phước độc nhất vô nhị ở Việt Nam khi còn đảm đương vai trò như một đình làng, hiện lưu giữ hòm bộ, sắc phong và bài vị của những người có công khai khá lập làng. Đi về chút nữa là đèo Voi (Phước Tượng) gắn với truyền thuyết xưa, có con voi rừng chở một vị tướng bị thương (không rõ thời nào) băng rừng từ Bạch Mã về cửa Tư Hiền. Kiệt sức, con voi trung hậu gục đầu xuống đầm Cầu Hai, rồi nằm lại vĩnh viễn… Chỉ ngần ấy thôi, cũng đủ để Cầu Hai xứng đáng để một chuyến xe dừng lại và trở đến điểm đến hấp dẫn của một tour du lịch.
ĐAN DUY