Công tác bảo vệ,ốngtainạnthươngtchchotrẻbang bong da y chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được các ngành, các cấp và địa phương đặc biệt quan tâm, song tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) vẫn còn xảy ra. Rất cần sự chung tay của cộng đồng, góp phần tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Học bơi giúp trẻ phòng, tránh được tai nạn đuối nước.
Tai nạn thương tích luôn rình rập trẻ em
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 14 trẻ tử vong do TNTT trong đó có 13 trẻ bị đuối nước, 1 trẻ bị tai nạn giao thông. Nguyên nhân của tình trạng trẻ em bị TNTT là do môi trường sống của trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa có địa hình sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Bên cạnh đó, một số phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến trẻ, trong khi trẻ em vốn hiếu động, tò mò nên rất dễ bị TNTT.
Như trường hợp của cháu N.V.P. (sinh năm 2020), ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, bị tử vong do tai nạn đuối nước. Sự việc đau lòng xảy ra vào ngày 5-9-2021. Hôm đó, mẹ của cháu P. đang giặt quần áo, cháu P. chơi với quả bóng, quả bóng lăn xuống mương, cháu đi theo để lượm quả bóng thì bị rơi xuống mương dẫn đến tử vong.
Mới đây, vào tối ngày 30-10, con trai của anh T., ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, là cháu N.T.Tr., 18 tháng tuổi đã tử vong do đuối nước. Tai nạn xảy ra khi anh T. đi làm ở rẫy, chỉ có vợ anh và con trai lớn ở nhà. Cháu Tr. qua nhà nội ở kế bên chơi, ngồi chơi trước cửa nhà, khi đó ông bà nội thì xem tivi, khoảng chừng 5 phút không thấy cháu, cả nhà tức tốc đi tìm, sau đó khi mò dưới mương sau nhà thì phát hiện cháu Tr. đã tử vong…
Qua vụ việc trên cho thấy TNTT luôn rình rập, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chỉ cần một phút lơ là không chú ý đến trẻ là có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng, nhất là tai nạn đuối nước.
Dẫu biết rằng, không thể lường trước những tai nạn có thể xảy ra cho trẻ em nhưng trong nhiều trường hợp, mọi người vẫn có thể phòng, tránh với nhiều hình thức khác nhau. Chính vì vậy, cùng với các giải pháp của ngành chức năng cần có sự chung tay ủng hộ của các gia đình, cộng đồng xã hội.
Chủ động phòng ngừa
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các hoạt động tập huấn về phòng, chống TNTT trẻ em không được tổ chức như mọi năm, song các ngành, các cấp và địa phương vẫn tích cực tuyên truyền với hình thức phù hợp, góp phần cung cấp kiến thức về các biện pháp phòng, tránh TNTT ở trẻ em cho gia đình, người nuôi dưỡng, giám hộ trẻ. Đồng thời, thành lập các mô hình, câu lạc bộ dạy bơi cho trẻ, góp phần phòng, tránh tai nạn đuối nước.
Theo anh Cao Chí Khá, Phó Bí thư Thành đoàn Vị Thanh: Nhằm góp phần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống TNTT ở trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước, Đoàn thanh niên một số xã, phường trên địa bàn đã thành lập mô hình Đội Thanh niên tình nguyện dạy bơi, phòng chống đuối nước, TNTT cho thiếu nhi năm 2021. Tại đây, các em thiếu nhi được các anh chị đoàn viên thanh niên hướng dẫn về những lý thuyết cũng như các thao tác thực hành bơi lội, cách xử lý một số tình huống để phòng tránh tai nạn đuối nước.
TNTT là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, việc đảm bảo an toàn phòng chống TNTT cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong chăm sóc giáo dục trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh cũng tích cực vào cuộc, góp phần bảo vệ sức khỏe con em mình. Theo bà Nguyễn Thị Lan, ở phường V, thành phố Vị Thanh, qua tuyên truyền về những tác hại nguy hiểm của TNTT đối với sức khỏe, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, từ đó, gia đình cũng chủ động thực hiện những biện pháp phòng tránh, góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ. “Nhà có trẻ nhỏ nên chúng tôi bố trí đồ điện trên cao, các vật sắc nhọn đều cất kỹ, tránh xa tầm với của trẻ”, bà Lan bộc bạch.
Để chủ động phòng tránh TNTT cho trẻ, theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức luôn là giải pháp được ngành chú trọng. Đồng thời, trang bị cho trẻ những kỹ năng để tự phòng tránh TNTT và đuối nước như cho trẻ học bơi, giúp trẻ nhận biết những nơi, những vật có thể gây nguy hiểm; gia đình cần bố trí vật dụng, đồ đạc sắc nhọn, đồ điện phù hợp, an toàn cho trẻ...
TNTT xảy ra với trẻ em có thể để lại nỗi ân hận đeo đẳng đối với các bậc phụ huynh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ, do đó, để thực hiện hiệu quả, thiết thực chương trình phòng, chống TNTT ở trẻ em, cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm. Từ đó, giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh...
“6 phòng” trong thực hiện kỹ năng tránh TNTT cho trẻ em
- Phòng ngừa đánh nhau: Giáo dục ý thức cho các em không được xô đẩy, đánh nhau, không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm, thường xuyên quản lý, giáo dục tính đoàn kết ở trẻ. - Phòng ngừa tai nạn giao thông: Tại gia đình và trường học phải có cổng, hàng rào, chú ý đóng cổng. Hướng dẫn các em thực hiện luật an toàn giao thông. - Phòng ngừa bỏng, nhiễm độc: Thiết bị điện phải để cao, tuyệt đối không để bàn ủi, dụng cụ nấu ăn trong tầm với của trẻ. - Phòng ngã: Sân, nền nhà cần bằng phẳng và không bị trơn trượt. Hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can. - Phòng ngừa đuối nước: Cần dạy bơi cho trẻ, không cho trẻ ra gần ao hồ, sông suối một mình. - Phòng ngừa điện giật: Luôn kiểm tra các đồ dùng bằng điện, che kín các ổ điện ở thấp không cho trẻ nghịch; hệ thống điện phải an toàn, không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao. |
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU