游客发表
发帖时间:2025-01-10 08:05:44
Đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, toàn dân tộc bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước.
Sau 41 năm, dấu vết của đạn bom đã lùi vào quá khứ nhưng nỗi đau thời hậu chiến vẫn còn dai dẳng. Hàng chục triệu người đang bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần bởi thảm hoạ của chất độc da cam. Họ sống đau thương mà chết cũng không yên, bởi đời con, đời cháu của họ vẫn còn bị di chứng của chất độc chết người ấy gây hại.
Nhận diện chất độc da cam
Năm 1961, Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy đã ký sắc lệnh cho rải các hoá chất khai hoang - diệt cỏ lên miền Nam Việt Nam. Chất độc da cam là một loại chất diệt cỏ được quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam từ năm 1961-1971, với mục đích phá huỷ rừng cây, nhằm loại bỏ lớp nguỵ trang tự nhiên của quân đội Việt Nam, huỷ hoại cây trồng và nguồn lương thực của quân đội ta.
Bà Lê Kim Vân, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Lý Văn Lâm (bìa trái) thăm nạn nhân Lê Hữu Tuấn (người nằm) ấp Bà Ðiều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. |
10 năm đó, Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít hoá chất khai hoang, trong đó có hơn 43 triệu lít chất độc da cam. Ðây được xem là một cuộc chiến tranh hoá học có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, kéo dài đến hàng trăm năm.
Ước tính, có hơn 8 triệu người Việt Nam đã tiếp xúc với chất độc da cam, trong đó có hơn 3 triệu người đã bị phơi nhiễm. Riêng tỉnh Cà Mau có gần 17.000 người bị phơi nhiễm chất độc hoá học, trong đó có 5.270 trường hợp là người hoạt động kháng chiến và con của họ được hưởng chính sách trợ cấp hằng tháng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh thì Cà Mau có rất nhiều trường hợp một gia đình có nhiều người bị nhiễm chất độc da cam. Ðiển hình như gia đình bà Võ Thị Thanh ở xã Khánh An, huyện U Minh, có tới 8 người con bị nhiễm chất độc hoá học, có khi cả 4-5 người động kinh lăn ra ngất cùng lúc. Gia đình ông Dương Minh Tân, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, có 4 người con đã 30-40 tuổi mà bé tẹo, mỗi người nặng không quá 20 kg. Gia đình bà Nguyễn Thị Giàu, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, có 4 người con đều bị liệt chi, dị tật cột sống... Và còn hàng ngàn trường hợp ra đời không lành lặn hoặc chết đi khi chưa kịp chào đời.
Bao nhiêu người đang bị chất độc da cam từng giây, từng phút bào mòn sự sống. Bao nhiêu người sống một kiếp chẳng ra người và bao nhiêu gia đình đang kiệt quệ do phải chạy chữa trong vô vọng cho những người thân bị nhiễm chất độc da cam. 55 năm qua đã có bao nhiêu chiến sĩ, đồng bào ta đã hy sinh và qua đời khi đã bị phơi nhiễm chất độc da cam, bao nhiêu người đã chết do chất độc da cam hành hạ mà chúng ta không thể thống kê được.
Chung tay xoa dịu nỗi đau
Bà Nguyễn Tuyết Nga, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, phân trần, đã là nạn nhân chất độc da cam thì dù có khó khăn về kinh tế hay không cũng rất cần sự giúp đỡ, động viên, an ủi. Phần lớn những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam ở tỉnh Cà Mau sau giải phóng không tiếp tục công tác đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
Thấu hiểu điều này, từ ngày thành lập đến nay, hội luôn quan tâm chăm lo cho hội viên. Các cấp hội đã tích cực vận động các nhà hảo tâm tài trợ, đóng góp để giúp đỡ cho nạn nhân. Tính từ năm 2011 đến nay, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh đã vận động được hơn 45,5 tỷ đồng. Theo đó, đã xây cất được 336 căn, sửa chữa 62 căn nhà cho nạn nhân chất độc da cam; vận động tài trợ và trao tận tay nạn nhân 2.162 chiếc xe lăn, xe lắc; tặng quà các loại 85.300 suất.
Riêng 6 tháng đầu năm 2016, các cấp hội trong tỉnh vận động tiền và quà trên 3 tỷ 233 triệu đồng. Theo đó, xây dựng 8 căn, sửa chữa 1 căn nhà tình thương cho nạn nhân nghèo, tổng trị giá 355 triệu đồng; tặng các loại quà kèm tiền mặt 6.708 suất, trị giá 3 tỷ 320 triệu đồng; vận động tiền mặt ủng hộ Quỹ nạn nhân được 442 triệu đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 10 hộ nạn nhân 100 triệu đồng. Qua đó, đã giúp nhiều gia đình nạn nhân vươn lên ổn định cuộc sống. Những đơn vị làm tốt công tác chăm lo cho nạn nhân là TP Cà Mau và các huyện: Cái Nước, Năm Căn, Ðầm Dơi, U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời.
Nhằm có đủ điều kiện chăm lo cho nạn nhân, Tỉnh hội sẽ thường xuyên chỉ đạo kiện toàn tổ chức hội từ huyện đến cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đóng góp vào quỹ hội, vận động nguồn tài trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, thăm viếng, tặng quà cho nạn nhân nghèo nhân dịp lễ, Tết. Ðặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người nhận biết hậu quả tàn khốc của chất độc da cam nhằm lên án tội ác man rợ, góp phần ngăn chặn tội ác tái diễn trên hành tinh và cùng chung tay xoa dịu nỗi đau dai dẳng này./.
Bài và ảnh: Huyền Linh
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接