Hội nghị COP28 sẽ diễn ra tại Dubai từ ngày 30/11 - 12/12. Ảnh minh họa: Báo Tin tức |
Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ là chủ đề chính tại COP28. Thế giới cần khẩn trương loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhưng điều này đang gặp khó khăn do lạm phát tăng cao. Đặc biệt, Đông Nam Á đang ở thế khó khi than là vua trong khu vực. Điều này được thể hiện rõ nhất khi than tạo ra khoảng 60% điện năng của Indonesia, trong khi tại Việt Nam, nhập khẩu than nhiệt đạt mức cao nhất trong 3 năm vào giữa năm 2023.
Có thể nói rằng, việc chuyển từ than sang các nguồn năng lượng sạch hơn sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi khu vực này có các nhà máy than còn khá non trẻ hoặc vẫn đang trong quá trình xây dựng. Để giảm dần mối liên hệ với than, các nước Đông Nam Á cũng cần được đảm bảo rằng phần còn lại của thế giới sẽ đồng loạt khử Carbon. Trong đó, COP28 được nhận định là một diễn dàn quan trọng để khu vực xây dựng sự đồng thuận xung quanh quá trình chuyển đổi này và đặt ra các mục tiêu thực tế.
Bên cạnh đó, vẫn còn một loạt các vấn đề nan giải khác mà các nước Đông Nam Á cần giải quyết tại COP28, có thể kể đến như từ việc đối phó với mực nước biển dâng cao, cho đến việc công bố chi tiết về Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” – một sáng kiến nhằm giúp các quốc gia nghèo đối mặt với thảm hoạ khí hậu. Cùng với đó, tín dụng Carbon cũng có thể trở thành điểm nóng trong các cuộc thảo luận…
Dù vậy, bên cạnh những thách thức lớn, cũng có những cơ hội mà Đông Nam Á có thể nắm bắt.
Đơn cử, Indonesia may mắn có trữ lượng Niken dồi dào, một “kim loại xanh” quan trọng cần thiết để cung cấp năng lượng cho xe điện (EV) và thúc đẩy triển khai các cải tiến bền vững khác.
Quốc gia này đã và đang tập trung khai thác nguồn dự trữ của mình để tạo ra các nguyên liệu có giá trị cao hơn, chẳng hạn như nguyên liệu đầu vào cho pin xe điện, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc xanh trong sản xuất. Có thể nói rằng, có nhiều cơ hội để Indonesia và các nước Đông Nam Á khác tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng năng lượng bền vững.
Ngoài ra, các mối liên kết năng lượng giữa các quốc gia cũng có thể được tăng cường. Niềm tin đang ngày càng lớn khi các nhà đàm phán về khí hậu có cơ hội hội đàm với nhau trong khuôn khổ hội nghị COP28 diễn ra tới đây.
Sẽ là rất dễ dàng để nhận thấy các cuộc họp của COP nhìn chung là bi quan về cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Dù vậy, hội nghị vẫn là một cơ hội khác để tìm ra điểm chung về mối đe doạ hiện hữu của biến đổi khí hậu. Đông Nam Á hoàn toàn có thể được hưởng lợi rất nhiều từ việc thành lập một mặt trận thống nhất để tiếng nói của khu vực được lắng nghe.