VHO - Từ lâu,ưviệncơsởrơivàocảnhđìuhiuvắngbạnđọbóng đá seria thư viện cơ sở là địa chỉ văn hóa, giúp các tầng lớp nhân dân tiếp cận sách báo, trau dồi kiến thức về mọi mặt trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, góp phần nâng cao dân trí... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, những năm gần đây, thư viện cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang hoạt động hết sức khó khăn, phần lớn rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ độc giả.
Thanh Hóa hiện có 41 thư viện cấp huyện và tương đương; 1.701 thư viện cấp xã và tương đương (tăng 1.686 so với năm 2019); hơn 4.216 phòng đọc báo ở thôn, bản, khu phố (tăng 4.057 so với năm 2019) và nhiều mô hình thư viện tư nhân, tủ sách gia đình dòng họ. Số bản sách ở các thư viện, tủ sách được quan tâm đầu tư và bổ sung, luân chuyển thường xuyên.
Hệ thống thư viện cơ sở phát triển đã góp phần cùng Thư viện tỉnh thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng ngày càng phát triển.
Cảnh “đìu hiu chợ chiều”
Theo đánh giá của Thư viện tỉnh Thanh Hoá, hệ thống thư viện cơ sở, đã từng bước đi vào ổn định, có nhiều chuyển biến tích cực, tạo lợi thế để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, hoạt động thư viện cơ sở vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều thư viện chỉ là nơi lưu trữ sách, chưa hấp dẫn bạn đọc và trở thành điểm đến văn hóa cho người dân địa phương, hoạt động của các thư viện thiếu sự đồng bộ - nơi hoạt động hiệu quả, nơi hoạt động cầm chừng, thậm chí vắng bóng người qua lại và phần lớn rơi vào cảnh “đìu hiu chợ chiều”.
Đơn cử như tại Thư viện huyện Triệu Sơn chỉ được bố trí khiêm tốn tại hội trường của Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện, mà chưa có phòng riêng với 7.520 bản sách thuộc nhiều thể loại như: thiếu nhi, khoa học, văn học, kỹ năng sống...
Mỗi năm, thư viện được quan tâm, bổ sung khoảng hơn 360 bản sách. Mỗi tháng thư viện phục vụ khoảng 120 lượt bạn đọc bằng hình thức phục vụ lưu động và tại chỗ; thu hút khoảng 56 bạn đọc thường xuyên, song hầu hết là học sinh và người cao tuổi đến mượn sách về đọc. Số lượng bạn đọc này khá khiêm tốn so với số dân địa phương.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều loại sách trong thư viện chưa được sắp xếp hợp lý vì thiếu giá để sách. Năm 2013, thư viện được đầu tư gần 10 máy vi tính phục vụ nhu cầu người dân, thế nhưng, đến nay tất cả các máy đều trong tình trạng “đắp chiếu” vì không còn khả năng sử dụng...
Nói về thực trạng thưa vắng bạn đọc, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Triệu Sơn Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: “Hiện nay, do sự phát triển của công nghệ, nhu cầu đọc sách của người dân không nhiều như trước.
Cùng với đó, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn; kinh phí tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc và tuyên truyền còn hạn chế. Do đó, hoạt động của thư viện luôn cầm chừng, thưa vắng bạn đọc”.
“Sự bùng nổ thông tin bằng các loại hình như Internet, truyền hình, điện ảnh, nhất là các quán game... Trong khi cơ sở vật chất, cán bộ phụ trách thư viện còn hạn chế về mặt chuyên môn, việc truy tìm các đầu sách bằng phương pháp thủ công cũng là nguyên nhân khiến người dân “ngại” đến Thư viện”, bà Tâm chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng này không chỉ riêng Thư viện Triệu Sơn mà nhiều Thư viện cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đều gặp nhiều khó khăn như Hà Trung, Thiệu Hóa, Thạch Thành, Quảng Xương, Bá Thước, Thường xuân… khiến thư viện chưa thực sự trở thành cầu nối giữa tri thức và người dân.
Điều đáng nói, không chỉ hệ thống thư viện huyện mà các thư viện xã, phòng đọc sách, báo cơ sở tại các địa phương phần lớn cũng gặp tình trạng “đìu hiu”.
Nhìn vào số liệu thì cơ bản địa phương nào cũng có thư viện. Nhưng thực tế, hầu hết thư viện xã, phòng đọc báo thôn được hình thành dưới dạng tủ sách pháp luật, đầu sách và bản sách còn hạn chế.
Được bố trí ngay trong nhà văn hóa thôn và đầu tư khá đồng bộ với đầy đủ giá để sách, bàn đọc sách, hơn 300 đầu sách, báo, tạp chí với gần 1.000 bản sách các loại, được đặt ở nơi dễ nhìn, dễ lấy, thế nhưng, những năm gần đây phòng đọc sách báo của thôn Tây Ninh, xã Yến Sơn (huyện Hà Trung) vẫn luôn trong tình trạng vắng bóng người đọc.
Hay tại khu phố 2, thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân), tủ sách được đặt tại nhà văn hóa khu phố đã có từ lâu nhưng do ít người đọc, cùng với việc sửa chữa, sắp xếp lại nhà văn hóa nên tủ sách đã được cất vào kho trong thời gian dài. Đến tháng 6.2024 tủ sách mới được khôi phục lại. Song, những cuốn sách phần lớn vẫn nằm gọn gàng trên giá mà không có người đọc.
Bà Trần Thị Tâm, xã Yến Sơn (Hà Trung), cho biết: Tủ sách được đặt trong nhà văn hóa thôn, mà nhà văn hóa chỉ mở cửa khi hội họp hoặc những lúc chơi thể thao, văn nghệ. Do đó sách, báo chủ yếu được người già đọc khi đến đây họp hành. Còn trẻ em không đam mê bởi những cuốn sách pháp luật quá xa lạ với chúng và không hấp dẫn bằng các thiết bị thông minh.
Tình trạng trên cũng diễn ra ở hệ thống thư viện cấp xã. Tại Thư viện xã Hoằng Đạo (huyện Hoằng Hóa) được hình thành trên cơ sở tủ sách pháp luật được bố trí cùng phòng của bộ phận một cửa tại UBND xã. Thư viện được hình thành nhằm lưu trữ, sử dụng sách, báo phục vụ nhu cầu đọc sách, báo, tra cứu thông tin của người dân trên địa bàn xã.
Đến nay, thư viện xã có khoảng 250 đầu sách, báo chủ yếu là tài liệu liên quan đến các chủ trương, chính sách, pháp luật, khoa học - kỹ thuật. Đầu sách ít, không phong phú nên thư viện thường xuyên “vắng bóng” bạn đọc.
Hình thành từ 2015 trên cơ sở tủ sách pháp luật và được đầu tư khá đồng bộ với đầy đủ giá để sách, bàn ghế đọc sách và hơn 250 đầu sách, báo với hơn 800 bản sách.
Tuy nhiên, Thư viện xã Quảng Chính (huyện Quảng Xương) vẫn luôn trong tình trạng thưa vắng bạn đọc. Theo tìm hiểu, thỉnh thoảng có một vài cụ cao tuổi đến đọc, tra cứu sách báo.
Ông Bùi Minh Phúc, công chức văn hóa xã Quảng Chính chia sẻ: “Thư viện xã và phòng đọc báo thôn là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Do đó, hệ thống thư viện cơ sở được đầu tư khá đồng bộ. Tuy nhiên, hoạt động của thư viện chưa phong phú, đầu sách chưa được làm mới thường xuyên dẫn đến chưa thu hút được đông đảo bạn đọc”.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Trao đổi với phóng viên Văn Hoá, ông Lê Thiện Dương, Giám đốc Thư viện tỉnh Thanh Hoá cho biết, việc các thư viện cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang hoạt động hết sức khó khăn, vắng vẻ độc giả do nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống thư viện huyện, xã còn nghèo nàn, chưa được đầu tư, nhiều nới thư viện còn đang nằm trong khuôn viên của UBND huyện, xã; cán bộ phụ trách thư viện còn hạn chế về mặt chuyên môn; kinh phí cho công tác bổ sung vốn tài liệu ít; chưa được cấp kinh phí thực hiện số hoá tài liệu tại hệ thống thư viện.
Theo ông Dương, để “vực dậy” văn hóa đọc, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành để kho tàng tri thức ở thư viện cấp cơ sở không dần bị lãng quên theo thời gian.
Trước hết, cần nâng cao chất lượng của thư viện cấp cơ sở trên mọi phương diện từ đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, số lượng, thể loại sách. Phối hợp với các đoàn thể và ngành giáo dục tuyên truyền, giới thiệu sách đến với người đọc thông qua các dịp lễ, ngày hội đọc sách, tạo thói quen đọc sách cho giới trẻ trong gia đình, nhà trường.
Bên cạnh đó, xã hội hóa công tác thư viện là một hướng đi tích cực và có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng hoạt động thư viện. Khuyến khích thành lập, nhân rộng các mô hình: Tủ sách dòng họ, tủ sách cụm dân cư...
Ngoài ra, cần quan tâm, tăng cường đầu sách đến các điểm trường, trường học vùng sâu vùng xa, phát huy niềm đam mê đọc sách cho các em học sinh vùng cao.