【keo bong da cup c1】Sản xuất công nghiệp tiếp tục thu "trái ngọt" cuối năm
Tăng trưởng cao nhất từ năm 2012
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương: Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây, qua đó đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,9%, đóng góp 9,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phân tích rõ hơn: “Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016. Trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm, đây là nhóm đóng vai trò quan trọng, là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành”.
Trong nhóm ngành chế biến, chế tạo, dệt may, da giày là những mặt hàng điển hình gặt hái được nhiều “trái ngọt”. Kim ngạch XK hàng dệt và may mặc 9 tháng ước đạt 22,56 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... Với da giày, tổng kim ngạch XK giày dép các loại ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia XK giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới. Doanh thu sản xuất và XK các sản phẩm liên quan tăng nhanh.
Ngoài các con số “biết nói” kể trên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, điểm đáng lưu ý trong sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay là cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần công nghiệp khai khoáng.
Tiếp tục tăng trưởng tích cực
Bộ Công Thương dự báo, sản xuất công nghiệp các tháng cuối năm sẽ tăng trưởng tích cực. Điều này bắt nguồn từ các yếu tố thuận lợi của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước. Cụ thể như, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và tăng trưởng GDP đã có sự bứt phá. Nhiều ngành bước vào vụ sản xuất để chuẩn bị cho dịp cuối năm nên sản xuất tăng cao. Đặc biệt, với các nhóm hàng dệt may, da giày…, một số DN lớn đã có đơn hàng đến cuối năm, nhu cầu khách hàng vẫn tăng góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển…
Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp nói chung từ nay đến hết năm, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy nhanh công tác xây dựng hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các DN công nghiệp; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong ngành Công Thương; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tăng tính hấp dẫn để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghiệp.
Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ được xem là “bệ đỡ” cho phát triển sản xuất công nghiệp nói chung. Bởi vậy, nhìn nhận tổng thể “bức tranh” sản xuất công nghiệp của Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn phát triển bứt phá, bền vững, cần dành sự quan tâm nhiều hơn cho công nghiệp hỗ trợ. Theo TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia: Muốn có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ tốt, cần thiết kế theo chuỗi giá trị, theo hình thức mỗi ngành 1 sản phẩm. Từ đó, Nhà nước có chính sách thu hút nhằm kéo DN tham gia vào chuỗi theo từng công đoạn của chuỗi. Làm được như vậy, mức độ đóng góp của DN Việt vào chuỗi sẽ mạnh mẽ hơn, sẽ tác động trực tiếp tới các sản phẩm XK của Việt Nam…
Đứng từ góc độ đại diện cho các DN trực tiếp tham gia sản xuất, XK, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam lại đưa ra góc nhìn riêng về năng suất lao động. Theo ông Thuấn, năng suất lao động là vấn đề rất đáng quan tâm trong lĩnh vực sản xuất da giày, túi xách nói riêng và các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác nói chung. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều tính năng suất lao động theo giờ. Trong khi năng suất của các DN da giày Việt Nam trung bình là 0,6-0,7 đôi/giờ thì nhiều DN ngoại, có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đạt tới năng suất 1,2 đôi/giờ. Đây là thách thức khá lớn đối với các DN Việt. “Tôi đề xuất cần có hội đồng chuyên môn thống kê về năng suất lao động của từng ngành sản xuất để biết các ngành của Việt Nam đang đứng ở đâu, từ đó có biện pháp nâng cao năng lực của từng ngành, không đạt mức ngang bằng thì ít nhất cũng đạt 90% so với DN ngoại”, ông Thuấn nhấn mạnh.
Quyết liệt xử lý các dự án kém hiệu quả Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Một trong những nội dung quan trọng được Bộ Công Thương tập trung triển khai là thực hiện quyết liệt Đề án và Kế hoạch hành động xử lý các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém để khơi thông nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp; đồng thời tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có điều hành linh hoạt kịp thời và hỗ trợ các DN trong triển khai phương án sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP đối với các ngành công nghiệp… |