Thời gian qua,đuhốchứarcthảibảovệthựcvậsoi cau bong da dù các sở, ban, ngành tỉnh đã hỗ trợ, đầu tư nhiều hố chứa để lưu giữ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, thế nhưng không ít hộ dân còn thiếu ý thức bỏ rác thải bừa bãi, trộn lẫn giữa các loại rác thải khác. Điều này không chỉ gây khó khăn cho đơn vị thu gom, mà còn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Xung quanh hố thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở xã Thạnh Xuân, là các bao chứa các loại rác thải khác.
Biến hố chứa thành bãi rác thải sinh hoạt
Ở một số tuyến đường nông thôn thuộc xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh cạnh một hố chứa xi măng là các loại rác thải để bên ngoài hố. Rõ ràng, hố chứa được ghi là đựng chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nhưng đến gần thì bên ngoài hố toàn là hỗn tạp các loại từ rác thải sinh hoạt cho đến những vỏ chai, miểng ly, kể cả bóng đèn bị hỏng… Thậm chí, có hố người dân lại bỏ chung vào các loại rác thải sinh hoạt. Hình ảnh trên không chỉ phản cảm, mà còn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Hải, ở ấp Xẻo Vông A, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, cho hay: “Có thể nói, các loại rác thải bảo vệ thực vật là loại rác thải ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như môi trường. Tuy nhiên, do trước đây không có nơi lưu giữ, nên hầu hết nông dân như chúng tôi đều phải vứt bừa bãi. Nhưng từ khi có hố chứa, chúng tôi rất an tâm vì đã có nơi lưu giữ các loại chất thải nguy hiểm này. Tuy nhiên, vẫn có một số hộ dân thiếu ý thức bỏ chung rác thải sinh hoạt trộn lẫn”.
Không chỉ ở xã Hiệp Lợi, mà một số hố chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cũng tương tự. Từng là một nạn nhân do đạp phải mảnh vỡ thủy tinh dưới ruộng, ông Dương Văn No, ở ấp Láng Hầm C, xã Thạnh Xuân, hiểu rõ tác hại của những mảnh vỡ của chai thuốc bảo vệ thực vật khi quăng bừa bãi. Ông No chia sẻ: “Do trước đây đi làm đồng về, tôi vô tình đạp ngay mảnh vỡ của chai thủy tinh dưới kênh, thế là 3 tháng phải mang tó. Ngày trước, đối với các loại rác thải này, hễ sử dụng xong là tôi quăng xuống kênh, mương, vì nếu thu gom thì cũng không biết phải đem bỏ ở đâu. Giờ có hố, đã có nơi để cố định, chúng tôi rất yên tâm. Nhưng ở đây, có hố chứa lại bị một số hộ dân bỏ các loại rác thải khác làm nhiều người thấy khó chịu”.
Cần nâng cao ý thức
Những vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau khi sử dụng sẽ trở thành các loại rác thải nguy hại và những loại rác thải này phải được thu gom, tiêu hủy đúng quy định. Bởi nếu vứt bừa bãi thì chúng không chỉ gây nguy hiểm cho môi trường đất, nước ngầm và nước mặt, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Để hạn chế tình trạng nông dân vứt bỏ vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi ngoài đồng ruộng, thời gian qua, các ban, ngành của tỉnh đã tích cực hỗ trợ các xã các hố chứa để lưu giữ rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 100 hố chứa, kho lưu chứa bao bì, thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, mỗi năm, chi cục đều có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thống kê khối lượng bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật để chuyên chở đi xử lý. Đây được xem là một động thái tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng môi trường nông thôn sạch đẹp, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, dù tỉnh đã tích cực hỗ trợ, nhưng trên thực tế thì các hố chứa này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, mà nguyên nhân chính là từ ý thức của người dân. Theo UBND xã Thạnh Xuân, trong năm 2014, xã đã được hỗ trợ, đầu tư 16 hố chứa, bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhưng lại không phát huy hiệu quả như mong đợi. Ông Phạm Nhật Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cho biết: Hiện chỉ có 10/16 hố phát huy tác dụng, số còn lại do đặt ở vị trí khá xa cánh đồng nên lượng rác thải thu gom ít. Thế nhưng, trong số 10 hố phát huy tác dụng, thì lại có đến 8 hố rơi vào tình cảnh người dân bỏ các loại rác thải khác. Nguyên nhân là một số hộ dân chưa ý thức được đây là hố chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật, nên để các loại rác thải khác trộn lẫn. Đó là chưa kể những trường hợp biết nhưng cố tình bỏ vào. Qua xem xét thì các loại rác thải người dân bỏ vào đa phần khó phân hủy như mảnh vỡ thủy tinh, bóng đèn. Mặc dù sai quy định, nhưng cũng chính vì điều này đã hạn chế được tình trạng vứt mảnh vỡ thủy tinh xuống kênh, mương. Trước mắt, để giải quyết tình trạng này, địa phương sẽ phân loại và giao cho đơn vị thu gom rác, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân bỏ rác thải nông nghiệp đúng nơi quy định. Hiện địa phương cũng đã được quy hoạch nơi chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi dự án được xây dựng sẽ có nơi lưu giữ các loại chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật một cách hiệu quả.
Còn ông Huỳnh Ngọc Tấn, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lợi, cho biết: “Việc triển khai dự án xây dựng các hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật bước đầu đã tạo cho nông dân thói quen bỏ rác thải nông nghiệp đúng nơi quy định. Nhưng để thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ, thì công tác tuyên truyền vẫn giữ vai trò quan trọng. Chính vì vậy, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân hiểu và tự giác thực hiện”.
Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải thuốc bảo vệ thực vật, cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó ý thức sử dụng của người dân là quan trọng nhất. Vì vậy, ngoài việc hướng dẫn bà con nông dân sử dụng hiệu quả, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền để người dân thấy tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, từ đó sử dụng đúng cách, phân loại, thu gom bao bì, tiêu hủy đúng quy định. Làm được điều này sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống ở địa phương, cũng như đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Bài ảnh: THANH THÚY