【cup nhat】Ngành Tài chính: Động lực cải cách thủ tục hành chính là vì dân, vì doanh nghiệp
Đây vừa là áp lực vừa là động lực để ngành Tài chính tiếp tục cải cách vì người dân, doanh nghiệp.
Cải cách đi vào chiều sâu, thực chất hơn
Chính phủ thời gian qua đã rất quan tâm đến công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong cả nước. Cải cách hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là đột phá để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Để tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho doanh nghiệp, không để “trên nóng dưới lạnh”, hay “không có chỗ cho virus trì trệ”, đã được người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở nhiều. Không phải là do không có chuyển biến, mà kết quả tốt rồi thì cần làm tốt hơn nữa, phấn đấu cao hơn cho mục tiêu cải cách, hướng tới Chính phủ điện tử và phấn đấu đạt các chỉ số cải cách đạt chuẩn xếp hạng các nước ASEAN 4 và hướng tới tiêu chuẩn của các nước OECD.
|
Minh chứng là các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Khi dư địa cải cách các TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh không còn nhiều nữa, thì các bộ, ngành làm gì? Câu trả lời đó chính là phải nỗ lực để tiếp tục cải cách đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa. Đối với ngành Tài chính, theo Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, 5 năm qua, ngành Tài chính đã tập trung quyết liệt thực hiện cải cách TTHC, đặc biệt là về thuế, hải quan, luôn lấy doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm, là động lực trong việc thực hiện cải cách.
Trên thực tế, cải cách TTHC là cả một quá trình dài và cần thực hiện đồng bộ từ cải cách về thể chế; tổ chức quản lý, yếu tố con người và điều không thể thiếu đó là việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Có nghĩa, không thể làm một sớm một chiều mà phải kiên trì, bền bỉ cho mục tiêu đặt ra cuối cùng là vì người dân, vì doanh nghiệp.
Mới đây nhất, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã công bố Báo cáo APCI 2020. Đối với nhóm TTHC liên quan đến giao dịch hàng hóa qua biên giới, Báo cáo ghi nhận những nỗ lực của cơ quan hải quan trong thực hiện cải cách, hiện đại hóa, cải cách TTHC để giảm thời gian, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các kết quả từ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện thủ tục hải quan. Đáng chú ý, nhóm TTHC thuế năm 2020 vẫn tiếp tục là nhóm TTHC dẫn đầu với điểm số tăng 5,5 điểm và mức phí tuân thủ thấp. Qua khảo sát APCI 2020 ghi nhận sự thay đổi tích cực về quá trình làm việc với đoàn kiểm tra của cơ quan thuế xuống làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp trong thủ tục hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với doanh nghiệp.
Vẫn còn dư địa để cải cách
Đánh giá về những kết quả đã đạt được của ngành Tài chính, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong xã hội hóa những dịch vụ công liên quan đến thuế, ngành Tài chính luôn đi đầu, nhất là các dịch vụ về thuế, quản lý rủi ro trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra về thuế. Ngành Tài chính đã đi đầu và chấp nhận sự đánh giá của doanh nghiệp để làm căn cứ thúc đẩy cải cách và cũng là ngành đầu tiên phối hợp với VCCI tổ chức việc khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trên thực tế, người dân và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào những nỗ lực, đột phá trong việc cải cách TTHC thuế, hải quan đi vào chiều sâu, thiết thực hơn nữa. Ông cho rằng ngành Tài chính đã và đang tập trung khá tốt vào việc thực hiện Chính phủ điện tử cũng như chuyển giao các dịch vụ công cho xã hội, thị trường. Bên cạnh đó, việc phấn đấu tăng cao hơn nữa số doanh nghiệp hài lòng với cải cách TTHC thuế là hoàn toàn có thể thực hiện được, đây cũng là sự trông đợi của người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, giai đoạn 2020 - 2025 sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân trên tổng chi phí tuân thủ. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu của ngành Tài chính trong thời gian tới. Theo đó, ngành Tài chính sẽ rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Trong đó, tập trung vào nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, kết quả tiếp tục giữ vững top đầu về cải cách hành chính liên tục những năm gần đây đã khẳng định chuỗi nỗ lực, cố gắng của Bộ Tài chính. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục tập trung cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tài chính công và hiện đại hóa ngành.
100% thủ tục hành chính của Bộ Tài chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến Về xây dựng chính phủ điện tử, Bộ Tài chính đã vận hành, kết nối phần mềm quản lý văn bản để gửi văn bản đi điện tử với 96 cơ quan, đơn vị và nhận văn bản đến điện tử với 356 cơ quan, đơn vị thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo thông suốt, đồng bộ. 100% thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 60%. Đồng thời, có tới 51% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của Bộ Tài chính đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, bao gồm các dịch vụ công trực tuyến như: thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác. Như vậy, Bộ Tài chính đã hoàn thành vượt 21% so với yêu cầu của Chính phủ. Tổng số hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 năm 2020 toàn ngành Tài chính là hơn 98 triệu hồ sơ. Các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính. |
Minh Anh