Trong xu thế hội nhập kinh tế và toàn cầu hoá, hoạt động thương mại điện tử đóng vai trò thiết yếu và rất quan trọng. Sự ra đời của thương mại điện tử đã làm cho phương thức kinh doanh mua bán giao dịch thương mại thay đổi đáng kể và đang trở thành xu thế mới với rất nhiều ưu thế và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc phát triển thương mại điện tử tại tỉnh Cà Mau vẫn còn khá mới mẻ và không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng Phòng Thương mại, Sở Công thương, nhìn nhận: “Hiện nay, trong xu thế hội nhập, thương mại điện tử có bước phát triển nhưng chưa sâu, rộng. Doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đúng mức việc ứng dụng thương mại điện tử. Về hạ tầng cho thanh toán trực tuyến chưa thuận lợi, chất lượng dịch vụ chuyển phát nhanh chưa cao. Người tiêu dùng cũng chưa thật sự hưởng ứng, bởi thông tin cá nhân dễ bị lộ. Hơn nữa, nguồn nhân lực cũng như việc lập, duy trì website thương mại điện tử còn nhiều hạn chế”.
Ứng dụng chưa nhiều
Thực hiện Nghị định 52/2013/NÐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMÐT và một số quyết định có liên quan về phát triển TMÐT, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp lớn sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có trang thông tin điện tử cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm, tham gia website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh.
Ða số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện nay còn sử dụng nhiều phương thức kinh doanh truyền thống. |
Ðối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chỉ có 30% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. 10% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu về đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong kinh doanh, Công ty TNHH Công nghệ Tin học Minh Khôi cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Trần Minh Khôi, Giám đốc Công ty, cho biết: "Thời gian qua, công ty đã ứng dụng thương mại điện tử thông qua website, facebook và một số phần mềm có tính tương tác cao. Tuy nhiên, thực trạng phát triển TMÐT Cà Mau còn khá mới mẻ, số người giao dịch thực tế không nhiều. Người dùng chủ yếu kiểm tra thông tin hàng hoá rồi đến cửa hàng mua trực tiếp. Ða phần họ chỉ mua trực tuyến với những loại hàng hoá có giá trị không cao. Còn đối với mặt hàng công nghệ cao như của công ty, người tiêu dùng đều đến giao dịch tại cửa hàng vì chưa tin tưởng lắm vào loại hình này”.
Tích cực phát triển thương mại điện tử
Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội để bán hàng trực tuyến đã và đang bắt đầu phát triển. Ðây cũng là bước phát triển của thương mại điện tử. Tuy nhiên, cũng khá nhiều thách thức đặt ra cho loại hình này, đó chính là vấn đề vi phạm hoạt động kinh doanh như: kinh doanh hàng giả, hàng cấm hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, website thương mại điện tử đa cấp biến tướng…
Hay những vi phạm về thông tin trên website như: giả mạo thông tin đăng ký, mô tả sai về thông tin sản phẩm, sai thông tin liên hệ, vi phạm đường dẫn… Ngoài ra, còn vi phạm về giao dịch trên website, tiết lộ thông tin liên quan hay sao chép giao diện website...
Ðể quản lý hoạt động loại hình này với môi trường pháp lý bền vững, Bộ Công thương ban hành một số thông tư về quản lý hoạt động thương mại điện tử, trong đó, Thông tư 59/2015/TT-BCT về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động hay quy định nghĩa vụ của người bán thông qua Nghị định 52/2013/NÐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.
Ông Trung cho biết, thời gian tới, cần thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử phát triển để qua đó góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ xuất khẩu, mở rộng giao thương trong nước cũng như trên thế giới được thuận lợi, dễ dàng, tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 52/2013/NÐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; Quyết định số 689/QÐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020; Quyết định số 07/QÐ-TTg ngày 2/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý và thực hiện chương trình Phát triển thương mại điện tử quốc gia, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Riêng Cà Mau, mục tiêu phấn đấu phát triển thương mại điện tử tỉnh đến năm 2020 có 50% doanh nghiệp hiện diện trên internet, cập nhật thường xuyên thông tin để quảng bá thương hiệu và bán sản phẩm cho khách hàng; 30% doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; 60% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử trên internet hoặc trên nền tảng di động; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các cá nhân, hộ gia đình qua phương tiện điện tử...
Bài và ảnh: Hồng Nhung