Trước lo ngại của phóng viên về sự cạnh tranh giữa các sản phẩm BH hưu trí hiện hành với chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện mới được Chính phủ phê duyệt triển khai từ đầu tháng 7-2016 tại Nghị định số 88/2016/NĐ-CP, bà Hà cho rằng sẽ không có sự cạnh tranh do cách thức triển khai khác nhau.
Về việc triển khai các sản phẩm BH hưu trí, bà Hà cho hay: Đến nay, có 6 DNBH đang được phép triển khai BH hưu trí là Bảo Việt, Prudental, Daichi, AIA, Manulife và PVI Sunlife. Số lũy kế đến 30-6 là gần 300 tỷ đồng với khoảng 15 nghìn người tham gia chủ yếu là do các DN mua cho người lao động.
Các sản phẩm BH hưu trí này được triển khai theo quy định của Luật Kinh doanh BH và thực hiện trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa DNBH với DN hoặc cá nhân là người lao động tham gia BH hưu trí.
Trong khi đó, từ 1-8-2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 88 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Chương trình này được thực hiện trên cơ sở ủy thác quản lý chương trình BH hưu trí.
Theo đó, công ty quản lý quỹ hoặc các DNBH đáp ứng đủ một số điều kiện nhất định, được Bộ Tài chính cấp giấy phép thì sẽ được ủy thác quản lý các chương trình BH hưu trí do DN hoặc người lao động tham gia BH tự ủy thác. Tới đây, Bộ Tài chính và Bộ Lao động, thương binh và xã hội sẽ có những văn bản hướng dẫn cụ thể về các điều kiện tham gia của các công ty quản lý quỹ hoặc DNBH.
"Do cách thức triển khai khác nhau, một bên thực hiện trên cơ sở hợp đồng BH, một bên thực hiện trên cơ sở ủy thác nên về cơ bản không có cạnh tranh nhiều." - bà Hà khẳng định.
Xét về góc độ an sinh xã hội, cả 2 loại hình nói trên đều nên được khuyến khích thực hiện vì mục tiêu đảm bảo quyền lợi của người lao động khi họ nghỉ hưu, cũng là góp phần an sinh xã hội trong điều kiện NSNN khó khăn.