Phiên tòa xét xử vụ buôn lậu gỗ tại Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng tháng 8/2018. Ảnh: Ngọc Linh. |
Nhiều hạn chế, tồn tại
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, năm 2018, công tác xử lý vi phạm hành chính, tham gia tố tụng hành chính tại Tòa tiếp tục được các đơn vị trong toàn Ngành triển khai toàn diện. Do đã xác định được yêu cầu và tầm quan trọng của công tác này nên việc phát hiện vi phạm, xác lập hồ sơ xử lý, giải quyết các vụ việc, về cơ bản đã được các đơn vị thực hiện một cách kịp thời, hiệu quả theo trình tự, thủ tục, đảm bảo tuân thủ pháp luật về thẩm quyền, mức phạt và các căn cứ pháp lý trong các quyết định hành chính một cách đầy đủ và chặt chẽ.
Đặc biệt, các đơn vị đã chủ động triển khai phổ biến các văn bản pháp luật đến CBCC trong đơn vị, tổ chức tập huấn nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng về xử lý hành chính, tham gia tố tụng hành chính tại Tòa; đồng thời, theo dõi, nắm bắt các vướng mắc phát sinh để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn. Qua đó, giúp cho các đơn vị trong Ngành thực hiện đúng, thống nhất các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xử vi phạm hành chính, tố tụng tại Tòa của Ngành vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.
Đó là, biên bản vi phạm hành chính không mô tả chi tiết nội dung hành vi vi phạm cụ thể, diễn biến vụ việc vi phạm, tờ khai vi phạm hoặc mô tả chưa chính xác, không phù hợp với định danh hành vi vi phạm, không kết luận được hành vi vi phạm cụ thể... từ đó dẫn đến việc xác định hành vi vi phạm chưa chính xác, chưa phù hợp với bản chất vụ việc nên việc ra quyết định xử phạt thiếu thuyết phục.
Các đơn vị cũng chưa kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính vào thời điểm xác định có hành vi vi phạm hành chính. Hay các báo cáo tổng hợp chưa thể hiện được đầy đủ nội dung vụ việc vi phạm, thường chỉ nêu tóm tắt vụ việc, chưa căn cứ vào tổng thể hồ sơ để phân tích hành vi vi phạm làm cơ sở đề xuất việc xử phạt. Nội dung báo cáo tổng hợp chưa rõ ràng, chưa logic trong việc xác định hành vi vi phạm và căn cứ pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính thiếu nội dung xem xét về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc có đề cập đến tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, chưa làm rõ các tình tiết của vụ vi phạm, chưa xác định trị giá tang vật vi phạm... để làm căn cứ đề xuất xử lý vụ việc.
Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, vẫn còn tình trạng quyết định xử phạt áp dụng chưa đúng chế tài xử phạt, mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm; không ghi đầy đủ các biện pháp khắc phục hậu quả mà tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện trong quyết định xử phạt. Quyết định ban hành không đúng thẩm quyền quy đinh, không có văn bản giao quyền cho cấp phó ban hành quyết định xử phạt.
Một số CBCC hải quan có kinh nghiệm cho rằng, điều quan trọng nhất là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện chuẩn, đúng quy trình, quy định ngay từ khâu đầu tiên. Bởi các vụ việc hành chính liên quan đến quy định của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên chỉ cần một sai sót nhỏ lại có thể trở thành những “điểm chết” khi tham gia tại Tòa hành chính. Do đó, thực hiện chuẩn theo quy trình là điều không hề dễ dàng, cần phải được tiến hành cẩn trọng.
Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả
Để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm hành chính, tham gia tố tụng hành chính tại Tòa, đồng thời khắc phục các hạn chế, tồn tại, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị thực hiện đúng các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và tố tụng hành chính tại Tòa.
Tiếp tục triển khai phổ biến các văn bản pháp luật đến CBCC trong đơn vị, tổ chức tập huấn nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng về xử lý hành chính, tham gia tố tụng hành chính tại Tòa. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra của đơn vị mình về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính xử lý vi phạm hành chính. Đảm bảo về cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao về công tác xử lý vi phạm hành chính và công tác tố tụng tại Tòa.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị phát sinh vụ việc khởi kiện có trách nhiệm tổng kết quá trình giải quyết vụ việc, phân tích, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm cho đơn vị mình. Kịp thời báo cáo về Tổng cục ngay khi phát sinh vụ việc khởi kiện.
Theo thống kê, trong năm 2018, 28/35 cục hải quan tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra nội bộ tại đơn vị mình về công tác xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, năm 2018, toàn Ngành đã phát hiện và xử lý 16.633 vụ. Số lượng vụ án hành chính mà cơ quan Hải quan tham gia với tư cách là người bị kiện phát sinh, kết quả xét xử (tổng số vụ án hành chính cũ và mới phát sinh) là 29 vụ. Trong đó, số vụ án hành chính năm 2017 chuyển sang tiếp tục giải quyết trong năm 2018 là 17 vụ và năm 2018, toàn Ngành phát sinh mới 12 vụ việc. Kết quả, năm 2018 đã có 1 vụ việc xét phúc thẩm (bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện); 5 vụ việc đã hòa giải hoàn thành nên người khởi kiện rút đơn. Do vậy, đến thời điểm này, còn lại 23 vụ việc đang theo dõi và tiếp tục xử lý, trong đó có 8 vụ việc đã được xét xử sơ thẩm (bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện). |