(CMO) Đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tại hội nghị tổng kết công tác bảo vệ, phát triển và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 vừa được UBND tỉnh tổ chức chiều 28/4.
Cà Mau có tổng diện tích đất lâm nghiệp 110.451 ha, trong đó có 94.224 ha rừng tập trung, bao gồm 52.656 ha rừng sản xuất, 18.226 ha đặc dụng và 23.341 ha rừng phòng hộ. Cà Mau có 3 vùng sinh thái đất rừng ngập mặn 66.539 ha, đất rừng ngập lợ (rừng U Minh Hạ) 43.195 ha và đất rừng trên đảo 716 ha.
Riêng công tác PCCCR mùa khô năm 2015–2016, nhờ triển khai thực hiện tốt các giải pháp phòng chống nên chỉ xảy 5 vụ cháy rừng, diện tích bị thiệt hại 17,45 ha. Trong đó, có 2 vụ cháy rừng do bất cẩn trong lấy ong, 3 vụ còn lại do sét đánh gây cháy.Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng luôn được các đơn vị quản lý quan tâm, thực hiện đúng với các phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ đó tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng trong năm 2016 giảm 92 vụ, tương đương 29,11% so với năm 2015, chỉ xảy ra 224 vụ. Qua xử lý, tịch thu 40,99 m3gỗ; 3,4 ster củi, 5 tấn than và nhiều tang vật khác thu nộp ngân sách trị giá trên 607 triệu đồng.
Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ Huỳnh Minh Nguyên cho biết, những năm trước đây, hầu hết các vụ cháy rừng là do người dân bất cẩn dùng lửa khi ăn ong. Hiện nay tình trạng này không còn xảy ra nhưng sét đánh thì không thể kiểm soát được. Trong mùa khô năm 2015–2016, trên toàn lâm phần rừng tràm U Minh Hạ có 5 vụ cháy rừng thì có 2 vụ cháy do sét đánh gây cháy tại lâm phần vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Trần Văn Thức cho biết, mùa khô năm 2016–2017 đã xuất hiện nhiều cơm mưa trái mùa, nên công tác PCCCR có nhiều thuận lợi hơn các năm trước. Tuy nhiên, đến nay trên toàn lâm phần có 44.858 ha rừng đang dần khô hạn, trong đó dự báo cháy cấp II có 19.827 ha; cấp III 13.983 ha; cấp IV, cấp dự báo cháy nguy hiểm 6.897 ha; cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, nguy xảy rảy ra cháy bất kỳ lúc nào 4.100 ha. Các đơn vị quản lý rừng đang triển khai trực PCCCR 24/24.
Để công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR ngày càng tốt hơn, Giám đốc Công ty TNHHMTV lâm nghiệp U Minh Hạ Trần Văn Hiếu đề xuất tỉnh sớm đầu tư xây dựng hạ tầng trên lâm phần rừng tràm để phục vụ công tác PCCCR và phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cư dân. Ông Hiếu khẳng định, khi đời sống của người dân dưới tán rừng phát triển thì công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và PCCCR sẽ tốt hơn và bền vững hơn. Sau khai thác, việc vận chuyển lâm sản đến nơi có lộ cho xe tải trọng trên 10 tấn lưu thông, bình quân chi phí chiếm đến 37% giá trị sản phẩm. Tổng chi phí người dân bỏ ra từ khai thác lâm sản trên 85 tỷ đồng/năm.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo, Sở NN&PTNT sớm rà soát, quy hoạch lại hệ thống thủy lợi trong lâm phần rừng tràm để thuận lợi trong việc vận chuyển lâm sản sau khai thác. Đồng thời tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là tỷ lệ % trong phân chia sau khai thác sao cho hợp lý để đảm bảo cuộc sống người trồng rừng. Trong công tác PCCCR, cần tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo, kiểm tra dụng cụ, phương tiện PCCC, đặc biệt là công tác diễn tập cho lực lượng làm công tác PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ. Tuyên truyền vận động không để người dân vào rừng bắt cá, ăn ong vào mùa khô. Trong quy hoạch phát triển rừng giai đoạn 2020–2030, Sở NN&PTNT sớm làm dự án phát triển rừng phòng hộ ven bãi bồi.
Trung Đỉnh