Tuyên truyền kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động bd kq cup tbn" />
');this.closest('table').remove();"> |
Tuyên truyền kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động |
Giúp công nhân đề cao cảnh giác
Cách đây chưa lâu, Công ty TNHH Sơn Hà Huế tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tín dụng đen cho đông đảo người lao động (NLĐ) của công ty. Tại buổi tuyên truyền, công nhân, NLĐ được nghe báo cáo viên đến từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh trình bày về thực trạng, phương thức và thủ đoạn, những hệ lụy khi vay tiền theo hình thức tín dụng đen. Báo cáo viên cũng đưa ra nhiều giải pháp giúp công nhân, NLĐ chủ động phòng tránh và cách đối phó khi không may bị gặp phải.
Ông Lê Văn Khánh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sơn Hà Huế cho biết, thời gian gần đây, nhiều công nhân của công ty rơi vào bẫy tín dụng đen. Tình trạng điện thoại đến công ty đòi nợ thường xuyên diễn ra, ngoài ra người cho vay còn đăng hình với những nội dung vu khống, chưa kể nhóm đòi nợ có đầy đủ thông tin cá nhân và gia đình, số điện thoại của chủ tịch công đoàn hoặc quản lý công ty để đe dọa, uy hiếp đòi nợ. “Qua buổi truyền thông, tôi mong công nhân lao động (CNLĐ) hiểu biết tác hại, hệ lụy để tránh xa “tín dụng đen”, anh Khánh nói.
Một công nhân chia sẻ, cuộc sống CNLĐ có lúc lâm vào cảnh túng thiếu cần tiền gấp như: con ốm, nhà hết gạo, hết tiền… Bế tắc, công nhân đành tìm đến “tín dụng” bên ngoài để vay vì nhanh gọn.
Tuy nhiên khi đã sa chân vào bẫy “tín dụng đen”, CNLĐ đóng lãi trễ thì lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến không có khả năng trả nợ. Không đòi được nợ, những người cho vay truy tìm chỗ làm của con nợ để uy hiếp, gây áp lực.
Trong khi đó, với nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trong CNLĐ, Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh phối hợp với Công an thị xã Hương Thủy tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho hàng trăm công nhân đến tại khu công nghiệp Phú Bài. Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Đội CSGT đã minh họa những hình ảnh người tham gia giao thông sai luật gây nên tai nạn; thông báo qua tình hình TNGT 6 tháng đầu năm; phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ, một số mức xử phạt, quy định về xử phạt qua hình ảnh và qua camera quan sát (phạt nguội) để công nhân hiểu và chấp hành tốt quy định khi tham gia giao thông.
Để buổi tuyên truyền thêm sinh động và giúp công nhân ghi nhớ, ban tổ chức đã giải đáp các thắc mắc, giao lưu tương tác, trao đổi các câu hỏi, xử lý tình huống, tư vấn về Luật Giao thông đường bộ với người nghe. Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng nhấn mạnh việc triển khai chuyên đề tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về nồng độ cồn để CNLĐ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tham gia giao thông đúng quy định, phòng ngừa TNGT.
Bà Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, việc tuyên truyền pháp luật giúp CNLĐ nắm rõ kiến thức và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Hướng về cơ sở
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới đoàn viên, NLĐ, hằng năm, LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn để thu hút được đông đảo đoàn viên, NLĐ tham gia. Trong đó, tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến đời sống, việc làm của NLĐ như: Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn; phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông... Hình thức tuyên truyền cũng được đổi mới theo hướng cung cấp những nội dung cơ bản của chính sách đối với NLĐ, sau đó tập trung giải đáp những thắc mắc của NLĐ.
Trong điều kiện hoạt động đặc thù ở các doanh nghiệp, cường độ lao động cao, ít có điều kiện tập hợp NLĐ tham gia các hoạt động tập trung, việc lựa chọn thời điểm tổ chức tuyên truyền cũng hết sức linh hoạt, không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Tranh thủ tuyên truyền giờ tan ca hoặc lồng ghép vào các cuộc họp của tổ, chuyền sản xuất; qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ; các trang mạng xã hội zalo, facebook của đơn vị.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền các hoạt động của tổ chức Công đoàn, phong trào CNVCLĐ; phổ biến các văn bản pháp luật... góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, NLĐ về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Tính riêng năm 2022, các cấp Công đoàn và Văn phòng Tư vấn pháp luật đã tư vấn trực tiếp cho hơn 1.600 lượt đoàn viên, CNLĐ về các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ. LĐLĐ tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội và tín dụng đen; chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con; an toàn giao thông; xây dựng gia đình CNVCLĐ trong tình hình mới cho hàng ngàn lượt đoàn viên, NLĐ.
Bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả sẽ giúp NLĐ biết tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng trong quan hệ lao động, tránh xa được các tệ nạn xã hội và chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp, địa phương.
“Hiện chúng tôi đang tập trung đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền với phương châm hướng hoạt động về cơ sở. Tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền am hiểu về pháp luật, có kỹ năng về chuyên môn tuyên truyền pháp luật để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với NLĐ một cách hiệu quả nhất”, bà Minh Nguyệt cho biết.