(CMO) Trước thành công của mô hình nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh, hiện nay, huyện Phú Tân đang đối mặt với tình trạng diện tích thả nuôi theo loại hình này tăng nhanh vượt tầm kiểm soát. Trong đó, nhiều diện tích phát triển mới không đáp ứng được các điều kiện nuôi theo quy định và địa phương đang gặp khó trong xử lý. Điều này đang đe doạ môi trường nuôi tôm của nhiều hộ dân trong khu vực.
Phú Tân là một trong những địa phương ven biển, có tiềm năng, thế mạnh về nuôi thuỷ sản, với tổng diện tích trên 39.072 ha, trong đó có 409,35 ha tôm thẻ siêu thâm canh. Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang cho biết, huyện đang gặp không ít khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý các hộ nuôi tôm siêu thâm canh không đảm bảo các điều kiện nuôi theo quy định. Trong 350 hộ nuôi, kiểm tra được 325 hộ, với diện tích 382 ha, có 156 hộ đạt các điều kiện theo quy định, còn lại 168 hộ, với diện tích 175 ha không đủ điều kiện theo quy định, xả thải trực tiếp ra sông rạch làm ô nhiễm môi trường. Đó là chưa kể 595 ha nuôi tôm thẻ siêu thâm canh có hố xi phông và 848 ha nuôi tôm thẻ công nghiệp trong ao đất.
Cũng theo thông tin từ UBND huyện, tính đến thời điểm này, toàn huyện có gần 67 ha nuôi tôm công nghiệp của 250 hộ dân bị nhiễm bệnh. Địa phương đang hướng dẫn người dân xử lý theo đúng quy định.
Trước thực trạng giám sát còn lỏng lẻo, trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phú Tân vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu lãnh đạo huyện phải làm rõ trách nhiệm, vì sao UBND tỉnh đã có chỉ đạo từ đầu năm nhưng đến nay việc kiểm tra điều kiện các hộ nuôi tôm siêu thâm canh vẫn chưa hoàn thành. Những hộ sau khi kiểm tra lần đầu chưa bảo đảm các điều kiện thì có kiểm tra lại lần thứ hai xem người dân có khắc phục hay chưa?
Trong 350 hộ nuôi tôm thẻ siêu thâm canh, đến nay còn 25 hộ huyện chưa kiểm tra được các điều kiện nuôi theo quy định. |
Nói về giải pháp chấn chỉnh diện tích nuôi tôm siêu thâm canh chưa đúng với các điều kiện quy định, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo huyện Phú Tân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành chủ trương phát triển nuôi tôm công nghiệp tập trung theo đề án quy hoạch của tỉnh. Cùng với đó, tuyên truyền cho người dân biết việc thực hiện quy định phải đăng ký với chính quyền địa phương khi có kế hoạch đầu tư nuôi thâm canh, siêu thâm canh; khảo sát, hướng dẫn các hộ đăng ký nuôi xây dựng ao đầm đúng quy định; kiểm tra, chỉ đạo khắc phục việc sử dụng điện không đảm bảo an toàn; rà soát thiết bị thi công xây dựng ao nuôi tôm để có kế hoạch đáp ứng nhu cầu sắp tới… Đây là những giải pháp quan trọng cần được địa phương quan tâm chú trọng.
Cùng với đó, các sở, ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp phối hợp địa phương giám sát chặt chẽ vùng, số hộ nuôi, sản lượng thu hoạch, kiểm soát tốt vấn đề môi trường; đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc ô nhiễm môi trường do nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh gây ra.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo địa phương mạnh dạn áp dụng biện pháp siết chặt quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời buộc khắc phục hậu quả đối với những hộ nuôi tôm có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng nuôi thuỷ sản./.
Trung Đỉnh