Khách mua hàng tại siêu thị H-E-B ở Austin, Texas (Mỹ). Ảnh tư liệu minh họa |
Cụ thể, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,8% trong ba tháng 7, 8, 9, thấp hơn 0,2% so với mức tăng của quý II, cũng như dự báo trước đó của thị trường. Bộ Thương mại Mỹ cho biết mức tăng GDP này phản ánh sự gia tăng trong chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ liên bang. Tuy nhiên, sự suy giảm trong đầu tư hàng tồn kho tư nhân, cùng sự sụt giảm lớn hơn trong đầu tư cho nhà ở khiến mức tăng thấp hơn so với quý trước.
Cùng ngày, một báo cáo của công ty tính lương ADP cho thấy việc tuyển dụng trong khu vực tư nhân của Mỹ đã tăng 233.000 vị trí trong tháng 10, tăng 46% so với tháng trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/2023.
Mặc dù thị trường việc làm phục hồi, các cuộc khảo sát cho thấy các hộ gia đình Mỹ vẫn không tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong tình trạng tốt vì lạm phát ảnh hưởng nặng nề “túi tiền” và chi tiêu thực tế của người Mỹ.
Theo báo cáo, chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo đại diện cho hoạt động của người tiêu dùng - đã đi lên 3,7% trong quý III. Đây là kết quả tốt nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2023.
Người tiêu dùng tiếp tục sử dụng tiền tiết kiệm và thẻ tín dụng để hỗ trợ cho việc mua sắm. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm tốc trong quý III xuống còn 4,8%.
Một yếu tố quan trọng khác giúp nền kinh tế tiếp tục mở rộng là chi tiêu của chính phủ liên bang. Trong quý III, chi tiêu của chính phủ liên bang vọt lên 9,7%. Đáng chú ý là chi tiêu quốc phòng tăng đến 14,9%.
Xuất khẩu đi lên khoảng 8,9%. Tuy nhiên, nhập khẩu lại tăng đến 11,2%, kìm hãm mức tăng trưởng chung.
Theo ước tính gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay sẽ vượt xa các nền kinh tế tiên tiến khác như Đức, Pháp và Vương quốc Anh./.