Nhiều chính sách đúng đắn, kịp thời
Di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc là một bộ phận quan trọng, cấu thành bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, là tài sản quý giá của đất nước, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thời gian qua, những chính sách đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã góp phần tích cực phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc trong cả nước.
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc. Toàn tỉnh có gần 1,2 triệu người; trong đó, dân tộc Kinh chiếm 64,59% dân số; dân tộc Khmer chiếm 30,19%; người Hoa chiếm 5,2%; còn lại dân tộc khác chiếm 0,03% dân số.
Sự cộng cư sinh sống lâu đời của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo cho Sóc Trăng một bản sắc văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, đa dạng về phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, ẩm thực, tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình văn hóa nghệ thuật, công trình kiến trúc cổ kính,…
Thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành nhiều văn bản quan trọng: Quyết định số 1276 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015; Chỉ thị số 04 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác các di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh.
Quyết định số 06 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn; Công văn số 2775 của UBND tỉnh về việc quan tâm trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh;…
Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chức năng thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc trên địa bàn.
Toàn tỉnh hiện có 51 di tích được xếp hạng, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia, 43 di tích cấp tỉnh.
Tỉnh đã đầu tư tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp 8 di tích cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh, với gần 150 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương trên 40 tỷ, ngân sách địa phương trên 64 tỷ và vận động xã hội hoá gần 40 tỷ đồng.
Sóc Trăng hiện có 1 bảo tàng, 1 phòng trưng bày văn hóa Khmer; có 6/11 huyện, thị xã, thành phố có nhà truyền thống; sưu tầm trên 14.600 hiện vật, tổ chức trên 210 cuộc triển lãm lưu động trong và ngoài tỉnh, mỗi năm phục vụ trên 850.000 lượt du khách trong và ngoài nước.
Toàn tỉnh hiện có 8 DSVHPVT quốc gia, có 7/8 Đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và thực hiện công tác bảo tồn. Tỉnh đã tổ chức trên 20 lớp hướng dẫn, truyền dạy các loại hình DSVHPVT của các dân tộc.
Sóc Trăng có trên 10 lễ hội dân gian truyền thống được bảo tồn và phát huy giá trị; đã bảo tồn Đề tài “Phong tục - Lễ hội của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2019-2020”; Đề tài “Tín ngưỡng dân gian người Hoa ở Sóc Trăng; Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” tại tỉnh Sóc Trăng giai đoạn I năm 2019-2025.
Quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc
Đối với việc triển khai Dự án 06, từ năm 2022 đến nay ngành đã tổ chức 5 cuộc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.
Tổ chức bảo tồn 5/5 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc; hỗ trợ nghệ nhân đồng bào dân tộc trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận…
Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc.
Thực hiện hỗ trợ tủ sách, trang thiết bị văn hóa, thể thao cho các vùng đồng bào dân tộc, tổng kinh phí thực hiện từ năm 2022 đến nay trên 24 tỷ đồng.
Đặc biệt, tháng 4.2024, Sở VHTTDL phối hợp với BQL Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Ngày hội Văn hóa – Du lịch tỉnh Sóc Trăng lần thứ I tại Hà Nội. Sự kiện góp phần cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.
Qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ thể văn hóa trong viêc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngoài những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vẫn còn không ít hạn chế, bất cập.
Công tác bảo quản, tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra.
Việc trùng tu, tôn tạo di tích thời gian qua chỉ mang tính chất sửa chữa nhỏ hoặc chống xuống cấp từng hạng mục di tích, thiếu quy hoạch đồng bộ và thiếu kế hoạch lâu dài.
Bên cạnh đó, một số di tích trên địa bàn tỉnh thuộc loại hình lịch sử cách mạng được xây dựng bằng vật liệu dễ hư hỏng, không còn tương xứng với những mốc son lịch sử hoặc di tích đã được xếp hạng từ năm 2006 đến nay chưa được đầu tư sửa chữa.
Những di tích thuộc loại hình đình, chùa, miếu là những công trình được xây dựng bằng gỗ, tồn tại qua hàng trăm năm do ảnh hưởng thiên tai, chiến tranh,… nên ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Để bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, cần phát huy vai trò chỉ đạo của cấp uỷ đảng, điều hành của các cấp chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và nhất là sự tự giác, ý thức trách nhiệm của đồng bào các dân tộc.