LỢI ÍCH KÉP
Gia đình anh Phan Viết Dũng,ệuquảTổnghềcaacuteấpThuậket qua ngoai ấp Thuận An, xã Thuận Lợi gắn bó với mái chèo, con nước hơn 13 năm nay. Việc đánh bắt thủy sản ở hồ chứa nước Đồng Xoài trở thành thu nhập chính của gia đình. Nhà anh không đất sản xuất, vợ không có việc làm ổn định, lại nuôi 2 con ăn học. Từ nghề đánh bắt cá, mỗi tháng hộ anh thu hơn 6 triệu đồng. Nhờ chi tiêu hợp lý, gia đình anh đủ trang trải cuộc sống. Anh Dũng cho biết: “Trung bình 1 ngày đánh bắt bán được hơn 200 ngàn đồng, hôm nào thuận lợi được nhiều hơn. Số tiền này nếu biết tiết kiệm cũng đủ trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học”.
Nghề cá mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình anh Phan Viết Dũng (giữa), tổ viên Tổ nghề cá ấp Thuận An, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú
Dù có 1 ha rẫy trồng điều nhưng do đang nuôi 4 con ăn học, vợ chồng không có việc làm thêm khác, thu nhập từ cây điều bấp bênh khiến cuộc sống gia đình anh Phan Viết Hà ở ấp Thuận An, xã Thuận Lợi luôn thiếu trước hụt sau. Để cải thiện mức sống, năm 2007 anh Hà chủ động tham gia tổ nghề cá của ấp và trở thành nghề chính mang về nguồn thu chủ yếu cho gia đình. Anh Hà cho biết: “Gia đình tôi hoàn cảnh khó khăn, sống dựa vào nghề đánh bắt cá, sau bao năm gắn bó thấy thu nhập cũng ổn, mỗi ngày được vài trăm ngàn lo cho các con ăn học”.
Tổ nghề cá ấp Thuận An thành lập năm 2007 với 40 tổ viên. Mỗi năm, các tổ viên đóng 1,5 triệu đồng dùng chi trả tiền thuê mặt hồ 15 triệu đồng, mua cá giống và chi trông coi, bảo vệ. Ông Lưu Văn Trung, Tổ trưởng Tổ nghề cá ấp Thuận An cho biết, cá sau khi thả khoảng 90 ngày, các tổ viên mới bắt đầu đánh bắt bằng lưới kích cỡ lớn. Sau khi thả gần 1 năm thì thu hoạch theo kiểu “đánh tỉa” chỉ thu cá lớn. Hình thức đánh bắt chủ yếu bằng phương thức truyền thống, dùng thuyền độc mộc, tấm lưới, cần câu, đảm bảo không tận diệt mà nuôi dưỡng được nguồn lợi thủy sản. “Ngoài đánh bắt, chúng tôi còn tuyên truyền, quán triệt tổ viên bảo vệ môi trường, vì đây là hồ nước sạch. Nhìn chung, các tổ viên sinh sống 2 bên hồ đều chấp hành tốt, không xả rác bừa bãi, không xả nước thải và vứt xác động vật xuống hồ để giữ môi trường trong sạch” - ông Trung nói.
“NÓNG” TÌNH TRẠNG ĐÁNH BẮT CÁ BẰNG XUNG ĐIỆN
Điểm chung của các tổ viên Tổ nghề cá ấp Thuận An là gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có hoặc ít đất sản xuất, nguồn thu chủ yếu dựa vào nghề cá. Trung bình mỗi năm, tổ viên đánh bắt được từ 15-20 tấn cá các loại. Đây được xem là “hũ gạo tiết kiệm” của các hộ dân, giúp họ không chỉ cải thiện bữa ăn hằng ngày mà còn có thu nhập ổn định. Thế nhưng, thời gian gần đây, thu nhập của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xuất hiện tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện.
Theo các hộ dân, các đối tượng đánh bắt cá bằng xung điện chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Trước đây, các đối tượng hoạt động riêng lẻ, thời gian gần đây hoạt động theo nhóm từ 3-5 người. Các đối tượng này rất liều lĩnh, manh động, sẵn sàng hăm dọa khi tổ viên phát hiện và ngăn cấm. Anh Phan Viết Dũng, tổ viên Tổ nghề cá ấp Thuận An lo lắng: “Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng dùng máy chích điện cỡ lớn, đánh bắt cá theo kiểu tận diệt gây thiệt hại lớn về sản lượng cá trong hồ. Từ ngày phát sinh máy chích điện, chúng tôi đánh bắt không được bao nhiêu, do đó thu nhập của gia đình cũng giảm đáng kể”. Còn tổ viên Phan Viết Hà bức xúc: “Gần đây nổi lên máy chích quá nhiều, ảnh huởng đến thu nhập của các tổ viên. Nhiều lúc anh em góp ý các đối tượng lại chống đối, cố tình làm thêm. Người này làm được, người kia cũng bắt chước. Nhiều hôm tổ trưởng nhắc nhở nhưng các đối tượng không nghe, manh động hơn có đối tượng chích cá còn không cho anh em tổ viên đánh bắt nên chúng tôi rất bức xúc”.
Ông Lưu Văn Trung, Tổ trưởng Tổ nghề cá ấp Thuận An đề xuất: “Hiện có một số đối tượng dùng máy chích điện để đánh bắt. Chúng tôi đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng gặp khó khăn vì các đối tượng hoạt động lén lút, lợi dụng đêm tối. Chúng tôi mong chính quyền các cấp hỗ trợ tổ nghề cá xử lý dứt điểm tình trạng đánh bắt bằng xung điện để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền rộng rãi để người dân chấp hành đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguồn lợi thủy sản không bị cạn kiệt, lấy ngắn nuôi dài, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã”.