Photos: Hàng loạt máy bay chiến đấu tối tân tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng | |
Không khí kỷ niệm 75 năm Chiến thắng ngập tràn trên khắp nước Nga | |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng 75 năm ngày Chiến thắng Phát xít |
Nga tổ chức lễ diễu binh kỷ niệm 75 năm ngày Chiến thắng phát xít trên Quảng trường Đỏ |
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin kiên quyết tổ chức cuộc diễu binh này không chỉ cho thấy mong muốn phô trương sức mạnh của Nga mà còn nhằm củng cố tinh thần yêu nước, một tuần trước cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp mà có thể cho phép ông tại vị đến năm 2036.
Lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng thông thường được tổ chức vào ngày 9/5, vốn là ngày lễ thiêng liêng quan trọng nhất của Nga. Sự kiện năm nay diễn ra vào ngày 24/6, trùng với thời điểm năm 1945 khi cuộc diễu binh đầu tiên được tổ chức tại Quảng trường Đỏ sau khi Đức Quốc xã bị Liên Xô và các đồng minh đánh bại. Liên Xô đã mất tổng số 27 triệu người trong cái mà họ gọi là cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại và những tổn thất và hy sinh to lớn trong thời đại đó đã để lại vết sẹo sâu trong tinh thần nước Nga.
Ngày Chiến thắng là sự kiện hiếm hoi trong lịch sử hậu Xô Viết được tất cả các phe phái chính trị tôn trọng, và Điện Kremlin đã sử dụng tinh thần đó để thúc đẩy niềm hãnh diện yêu nước và nhấn mạnh vai trò cường quốc toàn cầu của Nga. Lễ diễu binh này đặc biệt quan trọng với Putin trong năm nay. Điện Krelim hy vọng rằng nó giúp lôi kéo sự ủng hộ của dân chúng trong thời điểm chỉ còn một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp vào ngày 1/7 tới nhằm “khởi động lại” nhiệm kỳ của ông và cho phép ông theo đuổi 2 nhiệm kỳ kéo dài 6 năm nữa nếu ông muốn.
Ông Dmitry Oreshkin, nhà phân tích chính trị độc lập ở Moscow, nhận định: "Lễ diễu binh này mang ý nghĩa biểu tượng đối với Tổng thống Putin, cho thấy rằng bệnh dịch đã đi qua và cuộc bỏ phiếu có thể được tiến hành. Và quan trọng hơn, Ngày Chiến thắng là biểu tượng tích cực cho sự thống nhất của người dân, cuộc tổng động viên kinh tế, sự lãnh đạo mạnh mẽ và sự hợp nhất quốc gia- những điều mà ông Putin đều muốn nhận công".
Mặc dù đại dịch làm tiêu tan hy vọng của Điện Kremlin để mời các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới tham dự lễ diễu binh này, nhưng lãnh đạo của một số nước thuộc Liên Xô cũ tham dự sự kiện. Buổi lễ có sự tham gia của 14.000 binh sĩ, khoảng 300 thiết bị cơ giới quân sự và 75 máy bay chiến đấu nhằm phô trương sức mạnh của Nga.
Mặc dù lễ diễu binh này có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị đối với Điện Kremlin, song việc Putin kiên quyết tổ chức sự kiện bất chấp nguy cơ lây bệnh cũng cho thấy sự quan tâm của cá nhân ông đối với Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhà lãnh đạo 67 tuổi của Nga nhìn nhận cuộc chiến này từ góc độ đầy cảm xúc, thường được gợi nhắc bởi ký ức đau buồn về cha mẹ và anh trai của mình khi Đức Quốc xã bao vây thành phố Leningrad, giờ đây được gọi là St. Petersburg, trong gần 2 năm rưỡi.
Điện Kremlin đã tận dụng lịch sử đó để kêu gọi lòng yêu nước ở Nga nhưng cũng thường xuyên sử dụng nó để công kích các đối thủ ở bên ngoài. Trong nhiều năm qua, các quan chức Nga đã lên án phương Tây vì không chỉ trích các cuộc biểu tình thường niên ở Estonia và Latvia nhằm tôn vinh các cựu chiến binh của Lực lượng vũ trang SS (Đức) trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như việc Ukraine ủng hộ các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc từng đứng về phía Đức Quốc xã trong cuộc chiến.
Ông Putin khẳng định rằng có tới 1/7 người dân Liên Xô đã thiệt mạng trong chiến tranh, trong khi Anh chỉ mất 1/127 và Mỹ mất 1/320. Ông Putin viết trên tạp chí National Interest: “Liên bang Xô Viết và Hồng quân Liên Xô đã đóng vai trò chính và quan trọng cho việc đánh bại chủ nghĩa Quốc xã”.