Các CLB đội nhóm Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế tổ chức hoạt động team building giúp sinh viên phát triển kỹ năng mềm
Đa dạng cách thức
PGS. TS. Võ Thanh Tùng,ảithiệnkỹnăngmềmchosinhviêtyle k Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học cho biết, khác với cách làm các năm trước là để sinh viên tự nguyện đăng ký tham gia hoạt động ở các câu lạc bộ (CLB) nhằm phát triển kỹ năng mềm, năm nay, nhà trường thí điểm đưa kỹ năng mềm trở thành môn học bắt buộc đối với sinh viên, trong đó sẽ có hai kỹ năng chính là: thuyết trình và xin việc vào chương trình năm 1 và năm 4, mỗi kỹ năng 1 tín chỉ. “Đây là kỹ năng phục vụ cần thiết cho cả quá trình học cũng như làm việc sau này. Qua nghiên cứu, nếu sinh viên nắm vững các kỹ năng này có thể giúp họ có nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi ra trường”, ông Tùng nói.
Tại Trường ĐH Nông lâm, ngoài việc đưa môn kỹ năng mềm vào chương trình đào tạo, năm học này, Phòng Công tác sinh viên và Đoàn Thanh niên lồng ghép tổ chức nhiều giải pháp giúp sinh viên phát triển các kỹ năng cần thiết, trong đó, nổi bật là triển khai sổ theo dõi. Mỗi sinh viên được cấp một quyển sổ theo dõi quá trình tham gia các hoạt động, CLB liên quan đến phát triển kỹ năng mềm, cuối mỗi học kỳ nộp lại để hai đơn vị theo dõi.
“Hiện trường có 26 CLB, đội nhóm, hoạt động hiệu quả và giúp sinh viên phát triển nhiều kỹ năng. Khi triển khai sổ theo dõi, phòng Công tác sinh viên và Đoàn Thanh niên sẽ nắm được tình hình sinh viên có tham gia CLB nào không, muốn phát triển kỹ năng gì để từ đó có hướng giúp đỡ”, Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm nói.
Các đơn vị thành viên khác thuộc ĐH Huế cũng có khá nhiều cách giúp sinh viên phát kỹ năng mềm áp dụng trong năm học 2017 – 2018, trong đó thúc đẩy vai trò Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, các CLB, đội nhóm; tổ chức các khóa hướng dẫn kỹ năng mềm, mời chuyên gia từ doanh nghiệp đến phối hợp đào tạo các kỹ năng cần thiết được xem là những cách làm chính.
“Năm nay, các khoa thuộc Trường đại học Kinh tế tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa và các buổi trò chuyện với doanh nhân, cựu sinh viên, giúp sinh viên tương tác để phát triển thêm các kỹ năng, nhất là các kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp. Đoàn trường phối hợp các CLB tổ chức nhiều hoạt động mang tính trải nghiệm để sinh viên thực hành kỹ năng mềm”, Ths. Vũ Thành Huy, Bí thư Đoàn ĐH Huế kiêm Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế cho biết.
Theo kế hoạch các trường, thời gian tổ chức các hoạt động kỹ năng mềm được sắp xếp phù hợp, đảm bảo cân đối trong năm, không bị ảnh hưởng thời gian học chuyên môn. Ths. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch đào tạo có khoảng 6 – 7 khóa kỹ năng mềm, thời gian được chia đều trong năm. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa cũng được tổ chức vào thời gian thích hợp, đảm bảo cho người học ở các khoa đều có thể tham gia.
Chủ động vẫn là điều tiên quyết
Đa dạng cách thức, phương pháp phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên mà các trường đang áp dụng trong năm học 2017 - 2018 là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay và yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải pháp trên hiệu quả, rất cần sự chủ động của người học.
Việc quan tâm đến các kỹ năng mềm cho sinh viên đã được các trường chú ý từ nhiều năm trước, minh chứng rõ nhất là có nhiều CLB, đội, nhóm thành lập từ rất sớm, song người học chưa thực sự chủ động tiếp cận. Trong một khảo sát nhanh mới đây của người viết với sinh viên ở các cơ sở giáo dục ĐH Huế, nhiều trường hợp thừa nhận chỉ chú trọng học kiến thức hoặc chưa biết cách cân đối thời gian hợp lý để tham gia nhiều hoạt động phát triển kỹ năng, thậm chí ngay cả những buổi có doanh nghiệp về nói chuyện với sinh viên, không ít trường hợp “vắng mặt”.
Nguyễn Thanh Hải, sinh viên một trường ĐH thành viên thuộc ĐH Huế chia sẻ: “Việc học và làm thêm của em tốn nhiều thời gian và hơi mệt, nên em nhác tham gia”. Có trường hợp còn cho rằng vì nghĩ nhà tuyển dụng chỉ cần tuyển người có năng lực chuyên môn, vi tính thành thạo, có các bằng ngoại ngữ vì vậy tập trung thời gian cho việc học bên ngoài, ít tham gia các hoạt động kỹ năng trong nhà trường.
Ths. Vũ Thành Huy, Bí thư Đoàn ĐH Huế cho rằng, ngoài lý do sinh viên chưa nhận thức hết tầm quan trọng của kỹ năng mềm thì một hạn chế nữa là khá đông sinh viên thiếu tự tin, ngại đăng ký tham gia các hoạt động phát triển kỹ năng mềm, thậm chí khi tham gia, họ cũng chưa tương tác, bộc lộ hết những mong muốn, thắc mắc của mình. Đây là vấn đề mà sinh viên cần khắc phục.
Lãnh đạo các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế cho biết, để giúp sinh viên nhận thức tốt hơn về kỹ năng mềm, năm học này các đơn vị sẽ đẩy mạnh khâu tuyên truyền, tăng cường phối hợp với đơn vị tuyển dụng tổ chức các buổi nói chuyện về kỹ năng mềm và lợi ích kỹ năng mềm cho sinh viên. Tuy nhiên, theo các trường, tất cả giải pháp chỉ giúp cho người học có môi trường tiếp cận, còn vấn đề quan trọng là từ phía sinh viên phải tự nhận thấy mình còn thiếu, cần những kỹ năng gì để chủ động tiếp cận.
Bài, ảnh: Hữu Phúc