Những khó khăn trên không phải là mới mà đã tồn tại từ nhiều năm nay. Vấn đề này lại một lần nữa được nhắc đến trong tọa đàm “Khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV” do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28-7.
Theo báo cáo của VAFIE, bình quân hàng năm từ 2000-2015, 60.000 DN tư nhân ra đời, thu hút được hàng triệu tỷ đồng vốn đầu tư. Tuy nhiên, chỉ 30% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ về vốn đổi với DNNVV vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa có ưu đãi cụ thể, nhiều chính sách chỉ dừng ở những quy định chung chung. Cả nước hiện mới có 8 vườn ươm DN, 21 quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương…
Bên cạnh đó, việc tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV còn gặp khó khăn do các ngân hàng luôn yêu cầu về tài sản thế chấp, độ uy tín của DN.
Trong khi, theo GS. Xuan-Thao Nguyen, chuyên gia về giao dịch đảm bảo của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Tài chính Quốc Tế (IFC), DNNVV thường không có tài sản đảm bảo về bất động sản, nhà xưởng, trong khi đây lại là yêu cầu đầu tiên để các ngân hàng đồng ý cho vay.
Từ những khó khăn trên, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ & xây lắp dầu khí cho hay, các doanh nghiệp đã phải tự giải quyết vấn đề về vốn như: huy động vốn từ các cổ đồng, từ gia đình, họ hàng… với lãi suất tương đương ngân hàng mà lại không cần tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng không phải là “bất khả thi” nếu DNNVV biết tận dụng cơ hội và đáp ứng được những tiêu chí để ngân hàng tăng độ tín nhiệm và tin cậy.
Nói về kinh nghiệm của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Hường chia sẻ, Công ty luôn cần một khoản vốn vay bổ sung bằng 30-35% tổng nguồn vốn. Vì thế, để được ngân hàng chấp thuận, Công ty luôn đặt ra một kế hoạch kinh doanh cụ thể, tiên lượng được hiệu quả dự án, chứng minh được sự luân chuyển của dòng tiền, hồ sơ tài chính minh bạch… nhưng vẫn cần tài sản thế chấp.
Đồng tình với cách làm trên, GS. Xuan-Thao Nguyen cho rằng, DNNVV có thể sử dụng các động sản để làm tài sản thế chấp như: hợp đồng mua bán, các khoản phải thu, vận đơn, chứng khoán, trái phiếu… Bên cạnh đó, DN phải hiệu rõ hoạt động kinh doanh, chứng minh tình trang sức khỏe tài chính và phải biết cách thuyết phục ngân hàng đồng ý cấp tín dụng.
Về phía ngân hàng, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng HDBank cho biết, để tăng khả năng kết nối tín dụng với DN, HDBank đã kết nối với các hiệp hội, tổ chức để xây dựng chương trình riêng, cung cấp dịch vụ tài chính trọn gói, chú trọng vào tài sản đảm bảo là dòng tiền…
Cùng với những giải phải trên, các chuyên gia tại tọa đàm còn nhấn mạnh đến vai trò của các hiệp hội.
Ví dụ như phối hợp với Hiệp hội DNNVV Việt Nam để triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho DNNVV khu vực Hà Nội hoặc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng dành cho DNNVV. Ngân hàng có thể cấp kinh phí để các hiệp hội tìm kiếm DN có nhu cầu thực sự về vốn và giúp ngân hàng đánh giá hiệu quả của các chương trình tín dụng để có những thay đổi phù hợp.