Sau đợt hạn, mặn vừa qua, nhiều nông dân hy vọng vụ lúa hè thu đạt năng suất cao nhằm khắc phục lại phần nào thiệt hại của vụ đông xuân trước đó. Vụ hè thu năm nay, tuy giá cả ổn định nhưng thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phát triển nên nông dân không lãi nhiều.
Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống được 36.507 ha (diện tích lúa hè thu bị nhiễm phèn 1.427 ha). Ðến thời điểm này, thu hoạch được 475 ha, diện tích còn lại đang trong giai đoạn làm đòng và trổ bông - chín (làm đòng 302 ha, trổ bông - chín 35.700 ha).
Nông dân huyện Trần Văn Thời bắt đầu thu hoạch lúa hè thu. |
Các bệnh gây hại trên lúa như: rầy nâu, bệnh cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trên diện rộng đã làm thiệt hại nhiều đến sản xuất của người dân. Diện tích bị sâu bệnh trong tháng 8 là 1.003 ha (luỹ kế 8 tháng là 12.118,5 ha).
Ông Nguyễn Ðồng Khởi, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho hay: “Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, lịch thời vụ chưa sát thực tế, sâu bệnh hoành hành đã làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như sản lượng lúa trên địa bàn huyện”.
Ngoài ra, giá lúa năm nay cũng có nhiều biến động ngay từ đầu vụ khiến người nông dân không khỏi lo lắng. Hiện, giá lúa IR50404 dao động từ 4.700-5.000 đồng/kg; giá lúa OM các loại (OM 4900, OM 6976...) từ 4.700-5.100 đồng/kg. Mặc dù giá lúa vẫn còn ở mức cao so cùng kỳ năm 2015 nhưng lại thấp hơn tuần trước và biến động liên tục nên người dân rất băn khoăn.
Ông Trần Thanh Tâm (ngụ xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) cho biết, trước khi bắt đầu thu hoạch lúa hè thu, nhiều thương lái lo ngại hạn, mặn sẽ khiến sản lượng lúa giảm mạnh nên tranh nhau thu mua, khiến cho giá lúa đầu vụ tăng liên tục qua từng ngày. Không những thế, nhiều thương lái còn chấp nhận đặt cọc trước.
Tuy nhiên, gần đây, hiện tượng mưa lớn kèm lốc xoáy khiến nhiều diện tích lúa hè thu tới kỳ thu hoạch bị đổ ngã và hư hại. Do bị ngập nước nên năng suất giảm đáng kể. Thông thường, 1 ha lúa sau thu hoạch sẽ được khoảng 9-10 tấn lúa, nhưng giờ chỉ còn 7-8 tấn lúa. Với mức giá như hiện nay, nông dân không lỗ nhưng lãi không cao.
Trong cuộc họp thường kỳ 8 tháng vừa qua, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều cho biết: “Trước tình hình trên, sở chỉ đạo các huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa hè thu và phòng, chống các loại sâu, bệnh. Phải có biện pháp kịp thời để hỗ trợ người dân, đặc biệt đối với lúa hè thu muộn. Ngành tiếp tục hướng dẫn nông dân tham gia cánh đồng lớn, liên kết sản xuất với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định"./.
Bài và ảnh: Ngọc Huệ