Những tưởng công việc quay phim truyền hình chỉ dành cho các “đấng mày râu”,ệnđờichuyệnnghềnhữngnữket qua bong da .com nhưng nhiều chị em vẫn lựa chọn và gắn bó với công việc này, với niềm đam mê cháy bỏng.
Nghề quay phim đối với phụ nữ sự vất vả, khó khăn tăng thêm gấp bội, bởi khi đi thực tế cơ sở, họ phải “vác” thêm máy quay và chân máy nặng đến hàng chục ký.
Nhiệt huyết với nghề
Đến Đài Truyền thanh thị xã Long Mỹ vào buổi chiều, lúc này chị Nguyễn Thị Hà (bút danh Nguyên Hà), Phó trưởng Đài Truyền thanh thị xã đang biên tập tin, bài của các phóng viên. Chia sẻ về “nghiệp” quay phim, chị Nguyên Hà chia sẻ: “Bây giờ, ngồi đây biên tập bài, chứ mấy năm trước giờ này đang ở ngoài đường quay phim viết tin, bài”. Trước khi đảm nhận chức vụ Phó trưởng Đài Truyền thanh thị xã, chị cũng là phóng viên. Không chỉ chịu trách nhiệm viết tin, bài mà chị còn kiêm luôn quay phim. Những ngày đầu cầm máy, chị có phần e ngại vì nhiều ánh mắt nhìn mình. Với lại, chiếc máy quay phim cùng với chân máy cũng khá nặng với người nữ như chị. Chị Nguyên Hà cho biết: “Lúc mới đi quay, nhiều người cũng hay nói là nữ sao không chọn nghề khác mà lại đi quay phim. Với lại, khi quay phim, phải nheo một bên mắt mới nhìn vào ống kính được. Có những cảnh phải quay đi quay lại nhiều lần, mỏi nhừ cả mắt. Nhưng khi xem lại thành phẩm của mình, thì mệt mỏi tan biến, càng có thêm động lực để hành nghề”.
Chị Nguyên Hà, Phó trưởng Đài Truyền thanh thị xã Long Mỹ, luôn nhiệt tình hướng dẫn đồng nghiệp.
Chị quê ở tỉnh Thái Bình, năm 2005 vào công tác ở Đài Truyền thanh huyện Long Mỹ. Với năng khiếu cùng kiến thức được học từ Trường Trung cấp Truyền hình, chị thỏa sức dấn thân với nghề ở vùng đất mới. Là phụ nữ, nhưng chị bất chấp cái nắng, cái gió của thời tiết để đưa đến người đọc những thước phim đậm chất thời sự, giàu tính thuyết phục. Chính sự không quản ngại này của chị và các đồng nghiệp mà Đài Truyền thanh thị xã Long Mỹ đã tuyên truyền phản ánh nhanh các sự kiện diễn ra trên địa bàn, được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Trong suốt những năm gắn bó với công việc quay phim, ấn tượng nhất với chị Nguyên Hà là những buổi phải lội xuống đồng ruộng, để quay cận cảnh những người nông dân vất vả chân lắm tay bùn. “Qua những thước phim và bài viết của mình, tôi càng hiểu rõ nỗi vất vả của những nông dân một nắng hai sương. Tôi cũng thường kể cho các con nghe sự vất vả ấy, để các con hiểu rõ giá trị của lao động”, chị Nguyên Hà bộc bạch. Không chỉ nhiệt huyết, máu lửa với nghề, chị Nguyên Hà còn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp, nhất là những người mới vào nghề. Anh Trần Bá Thông, kỹ thuật viên Đài Truyền thanh thị xã Long Mỹ, cho hay: “Những ngày đầu khi mới chập chững vào nghề, tôi đã được chị Nguyên Hà hướng dẫn tận tình, chị đã dạy tôi cách quay, cỡ cảnh, góc quay như thế nào cho đẹp. Giờ đây, khi đi quay phim với chị, chị cũng thường chỉ bảo để tôi có những cảnh quay sắc nét. Chị Nguyên Hà vừa là lãnh đạo vừa là người đồng nghiệp đáng quý”.
Bây giờ, dù đã lên chức, nhưng mỗi khi cơ quan thiếu quay phim, chị Nguyên Hà sẵn sàng “vác” máy quay và tác nghiệp. Với chị, quay phim, viết tin bài là cả niềm đam mê, vì thế, lúc nào chị cũng “cháy” hết mình với nghề, lâu lâu thấy nhớ nghề là cứ vác máy quay phim lên vai là đi…
Quay phim là cả đam mê
Lần đầu tiên, chúng tôi gặp phóng viên Nguyễn Thị Hằng Ni, Phòng Văn nghệ và Giải trí (Đài PT&TH Hậu Giang) trong dịp đưa tin Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2016-2021. Hôm ấy, chương trình đại hội được Đài PT&TH Hậu Giang trực tiếp. Nhìn Hằng Ni cẩn thận trong từng góc quay, cỡ cảnh mà chúng tôi khâm phục. Nghề quay phim đã khó, mà quay chương trình trực tiếp thì lại càng khó hơn, bởi hình ảnh được truyền tải đến khán giả ngay lúc đó, chỉ cần một sơ suất nhỏ đã không có cơ hội để sửa sai.
Với Hằng Ni, quay phim là cả đam mê.
Hằng Ni đến với nghề như một cái duyên. Trong một lần Đài PT&TH Hậu Giang tổ chức thi tuyển quay phim, Ni đã dự thi và trúng tuyển. Vào công tác ở đài, cô được phân công vào Phòng Văn nghệ và Giải trí, đảm nhận nhiệm vụ quay phim. Những ngày đầu tiếp xúc với máy quay, như bao người khác, cô sinh viên chuyên ngành điện - điện tử Hằng Ni không tránh khỏi cảm giác lạ lẫm, những thao tác mở máy, zoom, lia máy, quay các cỡ cảnh… bản thân chưa thực hiện lần nào. Từ sự hỗ trợ của những anh chị đồng nghiệp cùng sự nỗ lực của bản thân, Ni đã làm tốt công việc của mình và có những thước phim với hình ảnh sắc nét. Hằng Ni bộc bạch: “Nhìn những sản phẩm do mình tạo ra, em thấy rất vui, hạnh phúc. Giờ đây, quay phim đã trở thành niềm đam mê của em, nhưng em còn “non” lắm, nên cần cố gắng nhiều. Cũng nhờ lãnh đạo và mấy anh, chị đồng nghiệp tận tình giúp đỡ, nên em mới thuần thục công việc như hôm nay”.
Gần 2 năm gắn bó nghề, kỷ niệm mà Hằng Ni nhớ nhất là lần em đi quay ghi nhận khó khăn của người dân xã Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh) khi đối mặt với hạn mặn. Hằng Ni kể, tác phẩm được thực hiện vào tháng 3-2016. Những ngày đó, nắng nóng gay gắt, khi quay phim phải đứng xuyên suốt ngoài nắng. Sau khi shoot hình cuối cùng kết thúc, em cũng muốn... xỉu, bởi say nắng. “Đâu có phóng viên nào đi tác nghiệp mà che chắn mặt mày đâu chị, cứ phơi nắng suốt. Hôm đó trời nắng gay gắt lắm, mặt em đau rát do nắng táp, còn tay chân nắng muốn phỏng luôn”, Hằng Ni nhớ lại. Vất vả là vậy, nhưng khi mang đến cho khán giả những hình ảnh chân thật mang đậm hơi thở cuộc sống, Hằng Ni cảm thấy rất hạnh phúc và đó chính là động lực để em tiếp tục phấn đấu với con đường mà em đã chọn…
Không quản ngại khó khăn, vất vả, hàng ngày, hàng giờ, những “nữ quay phim” vẫn cần mẫn, nỗ lực đưa thông tin đến với mọi người dân. Số lượng nữ quay phim ở tỉnh hiện không nhiều, nếu không nói là quá ít, chắc là do đặc thù công việc, nhưng đã chọn nghề, thì họ luôn hết lòng với nghề và cùng đồng nghiệp dệt nên những bức tranh đa màu của cuộc sống.
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU