Ảnh minh hoạ |
Hỏi: Tôi được biết, Luật Đất đai năm 2014 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013, trong đó có bổ sung thêm thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai của trọng tài thương mại? Xin quý báo cho biết chi tiết?
(Phạm Anh Thư, quận Tây Hồ, Hà Nội)
Trả lời: Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:
Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
... Qua đó có thể thấy theo quy định của pháp luật về đất đai hiện đang có hiệu lực thì hành thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là:
- UBND;
- TAND.
Tùy theo từng trường hợp cụ thể và tùy theo mong muốn của các bên tranh chấp sẽ có thể lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp phù hợp và đúng với quy định pháp luật.
Về cơ bản, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Luật Đất đai 2024 vẫn kế thừa các nội dung quy định tại Luật Đất đai 2013 đang có hiệu lực thi hành nhưng có một số thay đổi. Cụ thể, Luật Đất đai sửa đổi 2024 lần đầu tiên ghi nhận thẩm quyền của trọng tài thương mại trong giải quyết các tranh chấp đất đai.
Tại khoản 5 Điều 236 Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung thẩm quyền của trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai, cụ thể: “Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại”.
Việc Luật Đất đai năm 2024 bổ sung thẩm quyền của trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 mới chỉ làm rõ khái niệm về “tranh chấp đất đai” mà chưa làm rõ được khái niệm “tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai”.
Để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, phát huy tốt được vai trò của trọng tài thương mại thì cần có văn bản hướng dẫn về việc xác định được những loại tranh chấp là “tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai”.
Xuất phát từ bản chất của hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác mà có thể quy định tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại có liên quan đến đất đai là những xung đột, mâu thuẫn phát sinh từ các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác có đối tượng trực tiếp là quyền sử dụng đất.