Các doanh nghiệp cũng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất và phân phối các sản phẩm có chứng nhận này để cạnh tranh với thực phẩm không rõ nguồn gốc trong thời gian tới.
Gần 300 điểm bán lẻ thực phẩm đạt chuẩn
Sáng 13-1, chị Nguyễn Hoài Trang ở Q.1, TP.HCM ghé vào cửa hàng Gà Việt trên đường Đỗ Quang Đẩu (Q.1) để mua nửa ký cánh gà công nghiệp và một vỉ chân gà. Đây là lần thứ tư chị quay trở lại cửa hàng này trong vòng gần một tháng qua khi hay tin địa điểm này bán thịt gà đạt chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) và cũng đạt chuẩn chuỗi thực phẩm an toàn của TP.HCM.
“Nghe đài báo quảng bá cho hệ thống này nên tôi tới mua cho an tâm. Điều bất ngờ là giá các loại thịt gà ở đây lại khá rẻ, thậm chí còn rẻ hơn trong siêu thị” - chị Trang cho biết.
Đây là một trong số sáu cửa hàng chuyên kinh doanh thịt gà của Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình, đơn vị mới đạt chuẩn thực phẩm an toàn theo chuỗi mà TP.HCM triển khai thời gian qua.
Trước đó, các đơn vị sản xuất thịt heo như An Hạ, Vissan, Sagri, trứng gà như Ba Huân, rau Anh Đào (Đà Lạt) và bán lẻ như Co.op Mart cũng đã tham gia chương trình này nhằm cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi giá trị từ con giống, chăn nuôi tới khâu giết mổ, chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, đến thời điểm này đã có gần 300 điểm bán thực phẩm đạt chuẩn chuỗi an toàn trên địa bàn TP, trong đó tập trung vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và cửa hàng chuyên doanh của các công ty tham gia.
Đây là chương trình của TP.HCM nhằm tạo các kênh sản xuất và phân phối thực phẩm an toàn có thể truy xuất được nguồn gốc để tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng và dần thay thế các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
So với nhu cầu của TP.HCM, số lượng điểm bán này còn rất khiêm tốn và chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành, các quận huyện vùng sâu vùng xa hay các chợ lẻ vẫn chưa có sự xuất hiện của thực phẩm đạt chuẩn theo chuỗi.
Theo ông Phan Xuân Thảo - chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, bởi đây là chương trình mới của TP nên cần thời gian kiểm soát chất lượng theo cả quy trình và các đơn vị thăm dò thị trường. Để đạt được chuẩn mà TP.HCM đưa ra không phải là dễ mà cần có sự chuẩn bị và liên kết nhiều khâu, từ trại hay ao nuôi đến khâu giết mổ, tiêu thụ...
Kiểm soát chất lượng từ gốc
Trong cái nắng gay gắt giữa buổi chiều cuối năm, hai công nhân của trạm nuôi trồng thủy sản Tiền Giang (Công ty CP kinh doanh thủy sản Sài Gòn - APT) chèo thuyền len lỏi giữa các bè nuôi cá trên dòng sông Tiền (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho cá ăn.
Thức ăn vừa ném xuống, lập tức hàng trăm con cá lao lên đớp mồi, vẫy nước tung tóe. Đây là công việc hằng ngày của các công nhân nuôi cá điêu hồng đạt chuẩn chuỗi an toàn thực phẩm, cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc...
Bà Tạ Thị Lệ Thu, phó phòng kỹ thuật và quản lý chất lượng Công ty APT, cho biết trong 28 bè cá tại đây có 23 bè cá điêu hồng, cung cấp hàng trăm tấn cá đủ tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu mỗi năm. Theo bà Thu, khác với quy trình nuôi thông thường, nuôi cá điêu hồng theo quy định an toàn thực phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt, nhất là dư lượng các chất kháng sinh dùng trong thủy sản.
“Do tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi, đặc biệt là không được dùng các chất ngoài danh mục nên cá nuôi tại đây có tỉ lệ hao hụt nhiều hơn” - bà Thu cho biết. Ngoài ra, thời tiết và chất lượng nguồn nước cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi cá, bởi nếu nắng quá, nhiệt độ nước tăng cao hay nước bị ô nhiễm do nước thải từ các ruộng lúa trên thượng nguồn đổ ra sông khiến cá chịu không nổi, ăn ít, chậm lớn thậm chí là chết.
Cũng theo bà Thu, để đạt chuẩn chuỗi an toàn thực phẩm, công ty phải lựa chọn kỹ từ con giống, mua từ trại giống đủ tiêu chuẩn và được thú y thủy sản kiểm dịch. Ngoài ra, mỗi tháng hai lần, cán bộ kỹ thuật của công ty từ TP.HCM xuống tận nơi để kiểm tra và chỉ khi cá không có dư lượng kháng sinh mới được đưa về chế biến trước khi đưa vào các siêu thị và hệ thống phân phối của công ty tại thị trường nội địa.
Ông Phan Xuân Thảo khẳng định để đạt được tiêu chuẩn của chuỗi an toàn thực phẩm, sản phẩm phải được nuôi tại những trại, ao nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo không được sử dụng các loại chất cấm trong chăn nuôi và an toàn dịch bệnh.
Riêng heo và gà phải được giết mổ tại những cơ sở giết mổ đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, đóng gói bao bì với nhãn mác được đăng ký trước. “Toàn bộ quy trình trên đều được cơ quan liên ngành của TP.HCM đi kiểm tra ở từng khâu và cấp chứng nhận. Chứng nhận này cũng chỉ có giá trị mỗi năm một lần” - ông Thảo cho hay.
Chuỗi sản xuất thịt gà xuất khẩu Bên cạnh các chuỗi thực phẩm tạo ra để cung cấp cho thị trường nội địa, ngành chăn nuôi cũng hình thành các chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu. Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trang trại gà tại Đồng Nai và Bình Dương, cho biết đang kết hợp với một đơn vị chế biến thực phẩm tại Đồng Nai để nuôi gà công nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Hiện sản phẩm gà và thịt gà chế biến của chuỗi này đã được khách hàng tại Nhật Bản chấp nhận, còn đợi hoàn thành các thủ tục thú y là có thể xuất khẩu. Hỗ trợ hình thành thêm các chuỗi thực phẩm mới Ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết để hỗ trợ và khuyến khích các công ty và người dân tham gia hình thành những chuỗi an toàn thực phẩm, TP đang tài trợ toàn bộ chi phí đi lại kiểm tra, xét nghiệm và đánh giá. Ngoài ra, Sở NN&PTNT và Sở Công thương TP.HCM cũng phối hợp với nhau để hỗ trợ các đơn vị trong chuỗi bằng cách công bố những địa điểm bán đạt chuẩn, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và kêu gọi những đơn vị bán lẻ trên địa bàn TP tiêu thụ các sản phẩm đạt chuẩn nêu trên. Nếu đảm bảo an toàn thực phẩm, gà Việt không ngán gà Mỹ Tại hội thảo “Kinh tế - xã hội VN: cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập” do Ban Kinh tế trung ương và ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 13-1, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) - cho rằng nếu làm ăn nghiêm túc và đảm bảo chất lượng, gà VN không ngán gà Mỹ, bởi thói quen của người tiêu dùng VN là chỉ ăn gà... đi bộ hơn gà đông lạnh. Theo bà Nga, khi VN tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nông dân VN sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng nhập. “Nhưng động vào đâu cũng thấy dư lượng chất bảo quản, thuốc kháng sinh... vượt quá tiêu chuẩn, chẳng biết thực phẩm nào an toàn. Nhà sản xuất cứ làm vậy, tất nhiên sẽ không cạnh tranh được” - bà Nga nói. Do đó, bà Nga khuyến cáo phải đổi mới mô hình nuôi trồng, kiểm soát chất lượng các khâu mới tận dụng được cơ hội xuất khẩu cũng như cạnh tranh được ngay tại thị trường nội địa. |
Theo Tuổi trẻ
Vinamilk tái ký hợp đồng với hàng ngàn hộ nông dân chăn nuôi bò sữa