Hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa,ếnmucứungườixinhiếnthườbdkq truc tiep thu hút đông đảo người dân tham gia, trở thành một phong trào sâu rộng !
Đông đảo nông dân tham gia hiến máu tại Lễ mít-tinh tại xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp vừa qua.
Nếu trước đây, chuyện hiến máu là chỉ tiêu gây nhiều lo lắng với không ít địa phương, thì giờ đã “khỏe” hơn rất nhiều, khi đông đảo người lao động, nông dân sẵn sàng hiến máu lúc biết được thông tin hiến máu tình nguyện diễn ra.
Nông dân nhiệt tình hiến máu
Chỉ mới hơn 6 giờ sáng nhưng phía trước sân UBND xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tấp nập người đến tham gia Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4). Một điều khá bất ngờ vì những người đến hiến máu không chỉ có cán bộ, công chức, viên chức mà còn có các bác, các chú, các cô, các anh, các chị nông dân chân lắm tay bùn. Hôm nay, ai cũng ăn mặc đẹp hơn, tươm tất hơn, bỏ lại công việc đồng áng hàng ngày để tham gia ngày hội hiến máu. Dù mỗi người tham gia với một tâm trạng khác nhau, có người mới hiến máu lần đầu, có người thâm niên hàng chục lần, nhưng tất cả đều mong muốn góp những giọt máu của mình để chia sẻ với những bệnh nhân đang cần truyền máu. Lấy vội bản đăng ký hiến máu, anh Huỳnh Thanh Việt, ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, liền nhờ người ghi giùm thông tin cá nhân. Anh Việt chia sẻ: “Tôi ít học, nên viết chữ khó coi lắm. Mỗi lần đi hiến máu, tôi đều nhờ người khác ghi thông tin giùm, còn tôi chỉ ký tên mà thôi. Với tôi, khi vào hiến máu chỉ mất chừng 5 phút, còn bắt tôi viết chữ hoàn thành bản đăng ký chắc nửa tiếng đồng hồ còn chưa xong”. Trong lúc chờ đợi tới lượt mình hiến máu, anh Việt kể, lần đầu khi tham gia hiến máu, anh cũng “run” lắm, nhưng thấy người kế bên hiến máu xong vẫn tươi cười nói chuyện vui vẻ, lúc đó anh cũng bớt hồi hộp. “Sau khi hiến máu tôi thấy mình cũng bình thường, không bị choáng, chóng mặt, nên yên tâm. Tính thêm lần này, tôi cũng hiến được 4 lần rồi và sẽ tiếp tục hiến khi đủ điều kiện”, anh Việt bộc bạch. Nhà nghèo, thu nhập chỉ phụ thuộc vào công việc làm thuê làm mướn của anh, nhưng mỗi khi nghe có phong trào anh sẵn lòng tham gia.
Còn chị Thạch Thị Ánh, ở ấp Long Sơn 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, cũng có mặt từ sớm để tham gia buổi hiến máu. Chị Ánh chia sẻ: “Lúc trước tôi cũng muốn đi hiến máu, nhưng cũng hơi lo, bởi mình nghèo, ngày nào cũng phải đi làm, chỉ sợ hiến máu rồi không đủ sức khỏe đi làm. Nhưng được sự động viên của địa phương, với lại được mấy anh, chị ở gần nhà rủ đi nên cũng đi một lần cho biết. Khi bác sĩ lấy máu xong, tôi thấy khỏe re hà, lần sau địa phương có tổ chức hiến máu, tôi sẽ tiếp tục đi nữa”.
Nhờ tuyên truyền sâu rộng, nên những người nông dân chân lấm tay bùn... đều hết lòng với công tác hiến máu tình nguyện. Từ thành thị đến nông thôn, mỗi khi nghe có phong trào vận động hiến máu tình nguyện, lập tức đông đảo tình nguyện viên có mặt. Dù trình độ học vấn không cao, cuộc sống hàng ngày còn khó khăn, cái ăn cái mặc đôi khi còn túng thiếu, vất vả, nhưng những người nông dân chân chất ấy luôn hướng về người khác, những người cần sự giúp đỡ. Đó cũng là dấu ấn đẹp trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Phong trào lan tỏa
Phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng có sức lan tỏa, những cá nhân, gia đình tham gia hiến máu tình nguyện ngày một tăng lên. Ông Nguyễn Chí Nghề, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: “Những năm trước, vận động người dân hiến máu khó lắm, nhất là ở vùng nông thôn, bởi họ còn phải lo chuyện đồng áng, chuyện gia đình. Chưa kể quan niệm của người dân về hiến máu còn nặng nề chứ đâu được như bây giờ. Hiện nay, phong trào đã có sức lan tỏa, mỗi khi nghe có đợt hiến máu, người dân tập trung rất đông, gấp hai, ba lần so với kế hoạch đăng ký”.
Để làm tốt công tác hiến máu tình nguyện, hàng năm, các cấp hội chữ thập đỏ đã xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai công tác hiến máu đến từng đơn vị cụ thể. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu bằng nhiều hình thức. Việc tuyên dương, trao giấy chứng nhận và khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào hiến máu nhân đạo được thực hiện kịp thời. Nhờ những việc làm cụ thể, thiết thực mà số người tham gia hiến máu hàng năm trên địa bàn tỉnh tăng lên đáng kể. Nếu như trước đây lực lượng hiến máu chủ yếu là cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh thì giờ đây các đối tượng như nông dân, phụ nữ cũng tích cực tham gia hiến máu. “Điều đáng mừng là nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện được nâng cao, từ đó phong trào ngày càng phát triển lan tỏa, mang tính bền vững, số lượng máu tiếp nhận của năm sau đều cao hơn năm trước”, ông Nghề cho hay.
Hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện năm nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sẽ tích cực vận động người dân và tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên và nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện. Phát biểu tại Lễ mít-tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” (7-4), ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kêu gọi sự hưởng ứng sâu rộng trong toàn thể đồng bào, đồng chí, những người đã, đang và sẽ cống hiến những giọt máu đào từ trái tim nhân hậu của mình cho mục đích nhân đạo cứu người hãy tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời nhân rộng những nghĩa cử cao quý này. Qua đó, góp phần tạo điều kiện để người bệnh nói chung và bệnh nhân nghèo nói riêng có nhiều cơ hội được cứu chữa hơn.
Năm 2016 hiến nhiều hơn năm 2004 là 11.100 đơn vị máu Từ năm 2004-2016 đã tiếp nhận 83.878 đơn vị máu. Nếu năm 2004 có 1.283 đơn vị máu được hiến, thì con số này của năm 2016 là 12.384 đơn vị máu, như vậy số lượng máu được hiến gấp 10 lần so với năm 2004. “Hiến máu cứu người, xin hiến thường xuyên” là chủ đề của Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4) năm nay, nhằm thể hiện ý nghĩa nhân văn, cao cả của việc hiến máu cứu người. Hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4), tỉnh sẽ vận động 1.250 đơn vị máu. Riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 4.383 đơn vị máu. |
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU