Thời gian qua,ượtkhđưađiệnvềthứ hạng của kashima antlers ngành điện Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư đưa lưới điện về nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Khoa Hải Long (bìa trái), Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang, gặp gỡ khách hàng sử dụng điện.
Bao phủ lưới điện gần 100%
Bật mô-tơ tưới cây khi cần. Nấu cơm điện không cần chọn giờ thấp điểm. Mua sắm, trang bị thêm một số thiết bị, vật dụng sử dụng điện trong nhà mà không cần đắn đo chuyện nguồn điện chập chờn, thiếu ổn định… là những niềm vui tưởng chừng đơn giản của người dân thị thành, nhưng với nhiều bà con vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh thì đã từng là mơ ước. Nhưng giờ, mọi chuyện đã khác. Với nỗ lực của ngành điện tỉnh, mạng lưới điện đã được nối dài, nhiều vùng quê đã được thắp sáng. Những vùng “trũng” về điện quốc gia tại Hậu Giang đang dần bị thu hẹp.
Ông Trần Văn Đèo, ở ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, phấn khởi cho biết: “Mấy năm trước không có điện nhưng năm nay đỡ hơn. Hồi đó bơm nước khó khăn lắm. Mô-tơ cũng hay chập chờn còn bây giờ êm rồi. Được ngành điện đầu tư vầy tôi thấy có lý. Mấy khúc dây điện đi qua gần nhà thì tôi hay dọn dẹp, cắt tỉa cây cối để an toàn. Xung quanh đây, khúc nào có nhà, người ta cũng làm y vậy”.
Để có được kết quả này, được biết thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng phát triển lưới điện, đưa điện về nông thôn luôn được Công ty Điện lực Hậu Giang quan tâm thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền địa phương trong việc đầu tư phát triển lưới điện và đặc biệt là công ty đã bố trí nguồn vốn rất lớn để đầu tư lưới điện cấp điện cho các hộ dân nông thôn, khu vực vùng sâu và xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Nhờ vậy, tỷ lệ số hộ dân có điện trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên trong các năm qua và hiện nay đạt 99,75%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân có điện khu vực nông thôn đạt 99,66% (lúc mới thành lập tỉnh năm 2004, tỷ lệ số hộ dân có điện chỉ đạt 77,51%); phủ kín lưới điện quốc gia đến 75/75 (100%) xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó có 51/51 (100%) số xã đã đạt tiêu chí số 4 (tiêu chí về điện) xã nông thôn mới.
Triển khai nhiều giải pháp
Theo ông Nguyễn Khoa Hải Long, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang, để đạt được kết quả đáng khích lệ như thời gian qua, ngành điện lực tỉnh đã xây dựng kế hoạch bài bản và từng bước thực hiện.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Công ty Điện lực Hậu Giang đã nỗ lực thực hiện đầu tư lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn đã thực hiện hơn 556,65 tỉ đồng. Từ năm 2016 đến năm 2020, Công ty Điện lực Hậu Giang đã đầu tư 57 công trình với tổng vốn đầu tư là 381,157 tỉ đồng, đưa vào vận hành 216,8km đường dây trung thế, 462,35km đường dây hạ thế và 17,48 MVA dung lượng trạm biến áp. Đầu tư khu vực nông thôn, vùng lõm và xóa hộ câu đuôi kéo chuyền hơn 305,71 tỉ đồng/185km đường dây trung thế, 423,18km đường dây hạ thế và tổng công suất máy biến áp là 16,25MVA, cấp điện trực tiếp cho 14.391 hộ dân. Dự án xóa hộ câu phụ, câu đuôi, nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn trên địa bàn 8 huyện, thị, thành trong tỉnh, với tổng mức đầu tư 40,742 tỉ đồng, cấp điện an toàn cho 12.304 hộ trước đây câu đuôi, câu chuyền không an toàn, bình quân mỗi hộ 3,3 triệu đồng.
Từ năm 2021 đến nay, Công ty Điện lực Hậu Giang tiếp tục sử dụng hơn 175,5 tỉ đồng để đầu tư mới lưới điện phân phối cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh. Khối lượng đầu tư đưa vào vận hành gồm 40,4km đường dây trung thế, 153,7km đường dây hạ thế và 26,257MVA dung lượng trạm biến áp. Trong đó đầu tư khu vực nông thôn, vùng lõm và xóa hộ câu đuôi kéo chuyền hơn 110,1 tỉ đồng/28,1km đường dây trung thế, 153,66km đường dây hạ thế và tổng công suất máy biến áp là 17,21MVA, cấp điện trực tiếp cho 1.914 hộ dân.
Dẫu có nhiều nỗ lực như vậy, nhưng một số ít địa bàn trong tỉnh, tình trạng người dân sử dụng điện câu đuôi, câu chuyền vẫn còn. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đồng thời, người dân cũng chịu nhiều thiệt thòi khi chưa được tiếp cận lưới điện quốc gia. Với các trường hợp này, ông Nguyễn Khoa Hải Long chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là trong công tác tuyên truyền cho người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, cũng có những cảnh báo cho người dân, hướng dẫn cho người dân kỹ thuật mắc đường dây, gia cố, đảm bảo an toàn đường dây so với mặt đất, mặt nước, làm sao để người dân sử dụng điện được an toàn”.
Cũng theo ông Long, trong điều kiện thời tiết như hiện tại, mưa nhiều cộng với triều cường dâng cao, Công ty Điện lực Hậu Giang phối hợp với địa phương tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Vận động người dân chặt tỉa các nhánh cây trong và ngoài hành lang có khả năng vi phạm đường dây khi ngã đổ để khi mưa bão xảy ra không ảnh hưởng tới đường dây, đảm bảo cung cấp điện được liên tục.
Hy vọng rằng với những nỗ lực của tỉnh, ngành điện trong việc tạo điều kiện tốt nhất để đưa lưới điện quốc gia về vùng sâu, vùng xa sẽ nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho Nhân dân, là một trong những động lực quan trọng cho các địa phương trong tỉnh bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bài, ảnh: MỘNG TOÀN