Tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động xấu đến đời sống của người dân. Nhiều hội nghị,xanhkết quả trận xứ wales hội thảo liên tục được tổ chức để tìm cách giúp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với BĐKH. Dù là cách tiếp cận nào, các nhà khoa học đều cho rằng: Phải lấy người dân làm trung tâm và giúp họ thay đổi tư duy để thích ứng với BĐKH !
Người dân An Giang đánh bắt thủy sản mùa lũ.
Chiến lược cho sinh kế
Hơn 20 năm trước, ĐBSCL liên tục rơi vào cảnh lũ lụt, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng. Người dân ĐBSCL luôn nơm nớp lo âu mỗi khi lũ về: Từ nhà cửa, đường giao thông, trạm xá, trường học, ruộng lúa… đều bị nước lũ gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều người không khỏi ưu tư khi nhiều người dân trong vùng phải chạy lũ lên tận Sài Gòn. Trong bối cảnh đó, Quyết định 99/TTg Về định hướng dài hạn và Kế hoạch 5 năm 1996-2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn vùng ĐBSCL do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 9-2-1996, thật sự đã tạo ra “cuộc cách mạnh về cơ sở hạ tầng” cho vùng ĐBSCL. Từ những ý tưởng “né lũ, nắn lũ” và cuối cùng đi đến “chung sống với lũ”. Theo Quyết định 99/TTg, hàng chục ngàn tỉ đồng được đầu tư vào cơ sở hạ tầng: đường, điện, trạm, trường, đê bao… đã giúp người dân miền châu thổ cuối dòng Mekong sống chung, hòa thuận với lũ.
Thế nhưng, trong 5 năm trở lại đây, câu chuyện nước lũ như “thời xa vắng” và thay vào đó là sự xuất hiện hạn - mặn nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng trăm ngàn héc-ta lúa và hoa màu, đặt hàng triệu người dân vào cảnh thiếu nước ngọt. Dù chưa lớn nhưng dòng người “ly hương” do tác động của BĐKH ở miền châu thổ đã được ghi nhận ở nhiều vùng đất khó. Trong bối cảnh đó, ngày 17-11-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Quyết định này được xem là “cuộc cách mạng lần thứ hai” để thực thi các biện pháp an sinh cấp bách đối với người dân ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH ngày càng khốc liệt. Theo đó, Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đưa các giải pháp tổng thể. Cụ thể, về tổ chức không gian lãnh thổ, hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn,…). Bên cạnh đó, tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái; rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao nhằm tránh rủi ro; dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của vùng trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch ngành, địa phương và sản phẩm chủ lực; giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong.
Đừng để nông dân trong “ốc đảo”
Lâu nay, các nhà khoa học đã cảnh báo: ĐBSCL là một trong 3 châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi BĐKH. Trong khu vực, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, bao gồm cả chuyển nước sang lưu vực sông khác trong khi nhu cầu về nước ngày càng gia tăng. Tài nguyên nước ĐBSCL đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Những vấn đề về suy giảm phù sa, bùn cát, dinh dưỡng về ĐBSCL và suy giảm nguồn lợi thủy sản với kịch bản nào đi chăng nữa, đều là xu hướng không thể đảo ngược. BĐKH và nước biển dâng đến sớm hơn và tác động sâu sắc hơn dự báo. Vấn đề sụt lún đất do các nguyên nhân về cấu trúc địa chất của vùng, các nguyên nhân từ chính chúng ta gây ra như khai thác nước ngầm tập trung hoặc xây dựng kiến trúc hạ tầng tập trung quá mức trên nền đất yếu... dẫn đến xu thế chung là nhiều khu vực ở ĐBSCL vốn đã thấp, nếu mỗi năm sẽ bị lún thêm khoảng 1-2cm nữa thì đến cuối thập kỷ này phần diện tích bị ngập mặn cũng sẽ tương đương với tác động của BĐKH gây ra!
Từ lâu, khi nói về ĐBSCL người ta hay ví von là: vùng đất trù phú. Thế nhưng điều này đang đứng trước nhiều thay đổi. Các địa phương, các nhà khoa học đang đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, có ý kiến cho rằng, cần giữ cho châu thổ miền Tây “xanh”! PGS.TS Đỗ Văn Xê, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: “Châu thổ miền Tây đã “xanh” từ lâu. Chúng ta làm nó mất “xanh”. Giờ chúng ta làm nó “xanh” lại”! Nhận định của PGS.TS Đỗ Văn Xê đáng để chúng ta suy nghĩ. Trong một thời gian dài, châu thổ miền Tây đã đảm đương và hoàn thành trọng trách bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước. “Có nhiều dấu hiệu ĐBSCL không còn xanh, mà “ngấm mình” trong phân bón và thuốc hóa học. Đó là hệ quả do chúng ta nóng lòng muốn có rất nhiều lương thực. Nông dân chủ yếu trồng lúa, phải sử dụng nhiều nước ngọt. Có lúc, chúng ta đưa nước ngọt xuống vùng mặn để nông dân vùng mặn trồng lúa”, GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trường Trường Đại học Nam Cần Thơ nhìn nhận.
Trong bối cảnh BĐKH ngày càng gia tăng áp lực, nhiều nhà khoa học vui mừng khi Chính phủ đã có quan điểm giảm diện tích trồng lúa ở vùng sản xuất kém hiệu quả. “Giữ cho châu thổ miền Tây xanh thành công hay không - nhân vật trung tâm vẫn là nông dân”, GSTS Võ Tòng Xuân nhận định. Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có thể nói là bước “khởi động” quan trọng. Thích ứng với BĐKH là câu chuyện dài của người dân ĐBSCL. “Trước mắt, chúng ta cần giúp nông dân tiếp cận tri thức. Đừng để nông dân sống trong ốc đảo khi cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra. Phải có biện pháp hiệu quả để nông dân động não, thay đổi tư duy, tiếp cận tri thức”, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ.
Bài, ảnh: CAO PHONG