Trong chương trình Jenesys 2.0 (giao lưu nghệ thuật,ởNhậlich thi đấu đức di sản, văn hóa truyền thống Nhật Bản) do Chính phủ Nhật thực hiện, hoạt động homestay của nhóm chúng tôi được thực hiện ở Nara - cố đô Nhật Bản. Chương trình được bắt đầu bằng buổi gặp mặt chung giữa các gia đình và nhóm chúng tôi, ở đó người đại diện ban tổ chức có vài lời giới thiệu, và sau đó là màn nhận mặt ly kỳ giữa “bố mẹ” và “những đứa con nuôi”.
Mặc kimono và học cắm hoa. Ảnh: T. Thảo |
Căn nhà của bố mẹ tôi nằm ở một khu dân cư yên tĩnh. Nhà có diện tích chừng 70m2, có 3 tầng, được bài trí đơn giản mà thanh lịch, ấm áp. Vừa vào đến nhà, việc đầu tiên là mẹ dẫn tôi đến bàn thờ thắp nhang. Đó là một gian thờ rất nhỏ mà mẹ nói là thờ Phật. Tôi cùng mẹ thắp nhang, cùng lầm rầm khấn vái. Động tác này khiến tôi nhận ra rằng, dù hiện đại đến đâu, người Nhật vẫn có góc dành riêng cho tâm linh.
Những ngày sống ở Nhật, tôi rất yên tâm bởi nhà cửa ở đây có kiến trúc đặc biệt để đối phó với động đất. Người Nhật xây nhà trên những viên bi tròn, mỗi khi có động đất, những viên bi ấy lăn tròn làm giảm độ rung lắc cho tòa nhà. Kỹ thuật này áp dụng cho những ngôi nhà từ 3 tầng trở xuống như nhà của bố mẹ tôi, còn các cao ốc thì dùng kỹ thuật khác. Thêm vào đó, tôi nhận ra ở trong nhà rất ấm. Thì ra tường nhà được làm từ vật liệu bông ép thành những tấm mỏng và nhẹ, khiến cho căn nhà như là một tấm mền bông lớn giữ ấm cho những người bên trong. Ngăn cách giữa các phòng là các tấm cửa gỗ có dán một loại giấy mỏng đặc biệt để có thể lấy ánh sáng từ bên ngoài. Các tấm giấy này được thay mỗi năm một lần vào dịp Tết. |
Rồi tôi cùng mẹ vào bếp sửa soạn bữa ăn tối. Căn bếp thật bề bộn, có lẽ mẹ quá bận rộn không kịp dọn dẹp cho gọn gàng. Trong chậu là một đống chén bát chưa kịp rửa, đồ đạc lỉnh kỉnh giăng khắp nơi. Mẹ vội bắt tay vào nấu ăn, còn tôi sửa soạn món rau và giúp mẹ dọn bàn. Mẹ nói phải nhanh tay lên để còn đi sang nhà người bạn thưởng thức trà đạo.
Món ăn vừa xong cũng là lúc bố đi làm về. Đó là một người cao lớn, vẻ mặt hiền lành, tốt bụng. Chúng tôi làm theo phong cách Nhật, chắp tay cúi đầu sau đó mời nhau rồi mới bắt đầu bữa ăn. Tối hôm ấy, chúng tôi có món pizza kiểu Nhật, mì xào với rau và hải sản, và một món không thể thiếu trong các bữa ăn kiểu Nhật là một bát soup đậu.
Sau buổi trà đạo, chúng tôi trở về nhà chuẩn bị đi ngủ. Chúng tôi ngủ trên sàn nhà. Lúc trải nệm cho chúng tôi, mẹ xác định phương hướng không được nằm quay đầu về hướng bắc vì đó là hướng của người chết, cuối cùng mẹ cho chúng tôi ngủ quay đầu về hướng đông. Trước khi vào giường, mẹ còn chu đáo đem sẵn cho chúng tôi mấy cốc nước.
Mỗi buổi sáng, khi chúng tôi thức dậy thì đã có sẵn đồ ăn sáng mẹ vừa nấu xong. Rồi chúng tôi có những giờ phút thư giãn thú vị bên nhau trong phòng khách ấm áp khi cậu học trò đến từ Việt Nam đánh piano, mẹ thì thổi tiêu, cùng ngây ngất trong hương vị chén trà ấm áp…
Các gia đình tiếp đón chúng tôi bao giờ cũng tìm mọi cách để tạo niềm vui và sự thoải mái cho khách ở trọ. Có nhà thì tổ chức tiệc barbecue (tiệc nướng) trong vườn nhà để đón tiếp, mời cả hàng xóm đến tham dự, có nhà thì dẫn đi picnic, đi leo núi, có nhà thì tổ chức trà đạo, nhà khác thì đưa đi mua sắm… Nhóm chúng tôi được mẹ đưa đi chơi ở Osaka, trung tâm của vùng Kansai, cách Nara khoảng nửa giờ đi tàu.
Mấy ngày homestay trôi qua thật nhanh. Các cô cậu học sinh Việt Nam gặp lại nhau hớn hở khoe: “Tớ được học kiếm đạo nhé, tớ thì được học gấp giấy, làm trà đạo, mình được mặc kimono nè, còn mình được đưa đi picnic, bọn mình thì được học viết thư pháp đấy”…
Tối hôm đó, nằm trong chăn ấm, tôi tự hỏi: Tại sao các bố mẹ phải mất thì giờ, mất công sức, tiền bạc để tiếp đãi chúng tôi tận tình chu đáo như thế ? Và tôi ngẫm ra rằng khi cuộc sống vật chất đã đầy đủ, người ta muốn làm phong phú cuộc sống tinh thần của mình bằng sự giao lưu với thế giới bên ngoài để biết về các nền văn hóa khác thông qua những con người cụ thể. Và homestay là một hoạt động giao lưu hai chiều, ở đó chúng tôi được tìm hiểu về văn hóa Nhật và ngược lại, thông qua chúng tôi, người Nhật cũng có thêm hiểu biết về văn hóa, con người Việt Nam. Thêm vào đó, khi tình nguyện thực hiện hoạt động này, các gia đình Nhật còn có cơ hội đóng góp vào lợi ích chung của quốc gia là quảng bá hình ảnh đất nước Nhật Bản tươi đẹp, con người thân thiện ra với thế giới. Một sự đầu tư lâu dài cho tương lai của đất nước.