Theo ông Nguyễn Văn Đồng, từ trước đến nay đây là vụ lúa có diện tích lớn nhất được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu. Đây cũng là kết quả của chủ trương đẩy mạnh liên kết sản xuất, đưa ngành nông nghiệp Hậu Giang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo đó, phần lớn diện tích được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra đã tham gia vào mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn, hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết 4 nhà… Cái lợi của việc tham gia sản xuất tập thế này nông dân không chỉ được bao tiêu hết sản lượng lúa làm ra, mà trong khâu sản xuất nhà nông còn được doanh nghiệp, nhà nước đầu tư, hỗ trợ lúa giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật; mua thuốc, phân bón giá rẻ, đặc biệt nông dân còn được nhà khoa học (kỹ sư) hướng dẫn chăm sóc, theo dõi cây lúa từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch.
Ngoài ra, khi tham gia vào sản xuất tập thể người dân còn được giảm chi phí đầu vào như khâu làm đòng, bơm tác, phòng trừ sâu hại,…
Ông Võ Văn Thường, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, phấn khởi cho biết: trước đây gia đình rất lo lắng giá bán lúa mỗi khi đến vụ thu hoạch nhưng từ khi vào tổ hợp tác xã không còn lo đầu ra nữa. "Nông dân chúng tôi từ khi vào tổ hợp tác sản xuất rất phấn khởi, lúc nào cũng được nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước hỗ trợ, vừa đỡ tốn công, giảm được chi phí, tăng lợi nhuận.
Điều phấn khởi nhất mà người dân ở đây cho biết, từ khi được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm, đến vụ thu hoạch nông dân chỉ ra tới bờ ruộng cân lúa lấy tiền, chứ không còn cảnh chạy đôn chạy đáo thuê mướn công cắt, tìm thương lái thu mua, lo sợ ép giá" - ông Thường cho biết.
Ông Trương Quang Thái, Đại diện Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang - là 1 trong 8 doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm vụ Đông Xuân cho nông dân tỉnh Hậu Giang chia sẻ: khi nông dân tham gia mô hình sản xuất liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước), phía công ty hỗ trợ giống, phân bón, thuốc không tính lãi đến cuối vụ.
Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ bao trữ lúa, cho mượn kho tạm trữ lúa một tháng chờ giá nếu không may ngay đợt thu hoạch giá xuống thấp. Phương châm là, khi tham gia sản xuất theo mô hình liên kết 4 nhà, nhà nông được phía doanh nghiệp đồng hành “bốn cùng” là: cùng làm, cùng nói, cùng ăn, cùng ở, đảm bảo đầu ra sản phẩn cho nhà nông. Theo tính toán của nhà nông, ruộng lúa sản xuất theo mô hình liên kết giảm chi phí được 30%, nâng suất tăng từ 15-20%.