【hạng 2 duc】Giúp doanh nghiệp xuất khẩu thiết bị y tế hiệu quả
Ngày 3/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức buổi tọa đàm “Những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế”. Sự kiện thu hút sự tham dự của hơn 40 DN sản xuất, kinh doanh nhóm sản phẩm phòng, chống dịch Covid-19 như sản xuất khẩu trang, găng tay y tế, trang phục bảo hộ…
Tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lan rộng từ cuối năm 2019 đã và đang tác động sâu rộng đến toàn bộ đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh của Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên toàn thế giới, dẫn đến nhu cầu trang thiết bị phòng chống dịch tăng đột biến, đặc biệt là nhóm sản phẩm vật tư y tế phòng hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay và trang phục bảo hộ…
Trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng xuất khẩu, nhà xuất khẩu phải tuân thủ theo một số các quy định mới phát sinh áp dụng trong mùa dịch, trong đó việc đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thông quan và các chứng từ cần thiết đặt ra những khó khăn cho nhà xuất khẩu. Điều này đòi hỏi nhà nhập khẩu phải tìm hiểu và nắm vững các quy định và yêu cầu nêu trên để có thể xuất khẩu thành công, hạn chế rủi ro.
Hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh Đ.Doãn |
Tại buổi tọa đàm, các DN đã được ông Nguyễn Trần Khánh Hoàng - Tổng giám đốc Super Cargo Service (đơn vị vừa xuất bán thành công hơn 5 triệu sản phẩm thiết bị bảo hộ y tế vào thị trường Hoa Kỳ), chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật thông tin cần thiết liên quan đến việc xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế, đặc biệt là vào thị trường Hoa Kỳ.
Đó là những nội dung liên quan đến thủ tục thông quan thiết bị bảo hộ y tế hiện nay, đặc biệt là những thay đổi cần lưu ý trong mùa dịch Covid-19; các loại chứng từ tài liệu cần thiết khi thông quan loại hình hàng hóa này; những khó khăn mà DN và đơn vị vận chuyển gặp phải khi đáp ứng những thay đổi theo quy định hiện hành; cách thức tuân thủ đúng quy định và yêu cầu thực hiện đạt chuẩn FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) hay CE (chứng nhận hàng hóa được lưu hành trong khối Liên minh châu Âu – EU…)
Bên cạnh đó, các báo cáo viên cũng chia sẻ thông tin về những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu mặt hàng thiết bị bảo hộ y tế và phương cách để đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu được mặt hàng này ra thị trường quốc tế.
Theo bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc ITPC, thông qua buổi tọa đàm, ban tổ chức kỳ vọng phần nào hỗ trợ các DN tham gia và quan tâm tìm kiếm được cơ hội kinh doanh trong mùa dịch Covid-19; giải đáp được những khúc mắc khi xuất khẩu mặt hàng thiết bị bảo hộ y tế vào các thị trường khó tính, yêu cầu tiêu chuẩn cao như châu Âu, Hoa Kỳ; hiểu rõ được thủ tục thông quan và các vấn đề trong quá trình vận chuyển; đồng thời có được kiến thức về thị trường logistic Việt Nam, kinh nghiệm tìm kiếm nhà nhập khẩu uy tín trên thị trường quốc tế…/.
Đỗ Doãn