Nhiều thách thức phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao |
Nhiều cơ sở lưu trú đang trong tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Rex hotel |
Cơ sở lưu trú thiếu lao động
Phát biểu tại Hội thảo "Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam" diễn ra ngày 9/8 tại TPHCM, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam cho biết, sau 4 tháng mở cửa (từ 15/3/2022), toàn ngành du lịch đã phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa và đón 733.400 lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu đạt khoảng 316.000 tỷ đồng. Trên 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước trở lại hoạt động bình thường… Những số liệu trên cho thấy tình hình phục hồi du lịch hết sức khả quan.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, khi du lịch thế giới phục hồi, chúng ta phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và các điểm đến trên toàn cầu nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến du lịch được khách quốc tế lựa chọn hàng đầu. Để đón được cơ hội trên, cần đội ngũ nhân lực đủ về số lượng, vững vàng về nghiệp vụ, năng động, nhiệt tình, sáng tạo và trách nhiệm. Yêu cầu đặt ra là cần phải quan tâm, chú trọng hơn đến công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi và phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030.
Hiện nay, các đơn vị trong ngành du lịch vẫn đang gặp thách thức về nhiều mặt, đặc biệt là thiếu nhân lực. Thời điểm năm 2019, trước dịch bệnh, toàn ngành có khoảng 4,5 triệu lao động, trong đó 1,5 triệu lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch; lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 780.000 người và tăng hàng năm. Thế nhưng, đến nay, 90% cơ sở lưu trú du lịch đã đi vào hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 700.000 buồng, phòng, song số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 300.000 người, trong đó nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ.
Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục, du lịch nội địa phát triển nên nhu cầu thăm quan, đi lại của khách du lịch trong nước sẽ làm nảy sinh nhu cầu đối với phân khúc khách sạn từ 1 sao tới 3 sao. Từ đó, hình thành nhu cầu nhân lực phục vụ trong các khách sạn thuộc phân khúc này sẽ tăng nhanh. Đồng thời, do việc quay trở lại của khách quốc tế còn chậm, nên khách sạn 4-5 sao chưa thể hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, việc khôi phục chậm của các khách sạn 4-5 sao sẽ khiến cho lao động có chất lượng không thể tiếp tục chờ đợi, chuyển sang các ngành khác và có thể không quay trở lại ngành du lịch.
Nhu cầu cấp bách
Theo thống kê của các doanh nghiệp, nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu thị trường, chưa kể xử lý các công việc phát sinh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khá khó khăn, nhiều nhân viên bán hàng hoặc điều hành trước đây đã ổn định với công việc mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc điều hành khách sạn Silk Path Hà Nội cho biết, sau đại dịch Covid-19, một bộ phận sinh viên, lao động bán thời gian, thời vụ thậm chí đã trở thành lực lượng chính tại các cơ sở lưu trú. Để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách, các khách sạn phải chủ động đến các trường đào tạo để "săn" nhân lực về làm ngay dù chưa có kinh nghiệm, phải đào tạo và chế độ đãi ngộ hấp dẫn...
Mặt khác, theo một số doanh nghiệp, dịch Covid-19 đã khiến nhiều lao động có chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên nghiệp chuyển nghề khiến cơ cấu chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao nên nhiều cơ sở lưu trú du lịch phải tuyển người điều hành hạn chế về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý.
Để khắc phục những khó khăn về nguồn nhân lực trong điều kiện phục hồi sau đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đề xuất, các cơ sở lưu trú cần có các chính sách đãi ngộ tốt để giữ chân lao động giàu kinh nghiệm, chất lượng cao; khuyến khích, thu hút, kêu gọi người lao động đã có kinh nghiệm trở lại làm việc. Đào tạo tại chỗ các kỹ năng, kiến thức về công nghệ số, chuyển đổi số như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thân thiện với môi trường…
Bên cạnh đó, chủ động kết nối với cơ sở đào tạo du lịch trong việc cập nhật thông tin, hợp tác, liên kết đào tạo nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp. Nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ lưu trú, phát triển các dịch vụ mới trong hoạt động lưu trú có tính cạnh tranh cao để nâng cao thương hiệu cho cơ sở lưu trú.
Ngoài ra, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phục hồi hoạt động kinh doanh, thu hút trở lại lực lượng lao động chuyên nghiệp và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; xây dựng, triển khai Chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho lực lượng lao động tại các cơ sở lưu trú về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ số, chuyển đổi số…