(CMO) Trước đây, làng nghề ép chuối khô ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời bắt đầu vào vụ từ tháng 9-12 âm lịch, bởi thời điểm này là mùa khô, chuối ép xong có nắng phơi ngay. Hiện nay, một số hộ sử dụng lò sấy nên ép được chuối khô quanh năm.
Xã Trần Hợi hiện có 2 cơ sở sản xuất chuối khô đầu tư lò sấy chuối. Trong đó, 1 lò sấy do Hội Nông dân huyện phối hợp với Sở Công thương đầu tư thí điểm, công suất 350 kg chuối ép/mẻ.
Hộ được chọn đầu tư lò sấy là chị Huỳnh Thị Diễm ở Ấp 10B. Qua hơn 1 tháng hoạt động, so sánh chất lượng chuối khô sử dụng lò sấy với chuối khô phơi nắng tự nhiên, chị Diễm cho biết: "Chuối sấy bằng lò khô đều hơn so với phơi nắng. Bởi sử dụng lò sấy, mình có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để chuối cho màu sắc vàng đều, bắt mắt, bảo quản được trong thời gian dài". Không chỉ vậy, sử dụng lò sấy chỉ mất 10 tiếng là xong mẻ chuối, rút ngắn hơn phân nửa thời gian so với phơi nắng.
Sử dụng lò sấy, công việc ép chuối khô của bà con nông dân không còn phụ thuộc vào thời tiết như trước đây. |
"Thời gian gần đây, thời tiết thất thường lắm, mưa nắng không đoán trước được nên phơi chuối rất khó khăn. Chuối phơi không được nắng bị xuống màu, tôi bỏ luôn chứ không dám giao cho khách. Từ ngày có lò sấy, tôi rất yên tâm, trời mưa hay nắng cũng không ảnh hưởng đến công việc của mình", chị Diễm chia sẻ.
Dù đang là mùa mưa nhưng ngày nào gia đình chị Diễm cũng ép trên 200 kg chuối khô và được thương lái đến tận nhà thu mua. Chị Diễm chia sẻ: "Bây giờ gia đình tôi tập trung ép chuối khô chứ không như trước đây, chỉ trông đến vụ Tết mới ép chuối. Với giá chuối khô khoảng 17.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi tháng gia đình có thu nhập trên 10 triệu đồng".
Từ ngày có lò sấy chuối, cơ sở của chị Diễm còn giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Chị Lê Thị Thuỷ, Ấp 10B, xã Trần Hợi, bộc bạch: "Trước đây tôi chỉ ép chuối thuê cho chị Diễm vào dịp Tết. Những tháng không ép chuối, tôi cùng chồng xuống Sông Đốc thuê nhà ở tạm rồi đi làm mướn như phơi cá, vá lưới; chồng tôi thì đi bốc vác, đến mùa ép chuối khô thì về làm. Bây giờ chị Diễm đầu tư lò sấy, ép chuối khô quanh năm nên tôi làm ở đây luôn. Công việc nhẹ mà gần nhà, tiện bề chăm sóc con cái. Mỗi ngày thu nhập từ nghề ép chuối mướn khoảng 80.000-100.000 đồng".
Để tạo thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chuối khô Trần Hợi - làng nghề duy trì trên 60 năm qua, Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời đang thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu tập thể "Chuối khô Trần Hợi".
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, thông tin: "Làng nghề ép chuối khô xã Trần Hợi tập trung nhiều ở 3 ấp: 10A, 10B, 10C. Hiện do điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, mưa cả trong mùa khô nên số hộ còn duy trì nghề này giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 60 hộ. Do vậy, để duy trì làng nghề ép chuối khô, Hội Nông dân huyện phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ thực hiệc việc đăng ký nhãn hiệu tập thể "Chuối khô Trần Hợi". Đến nay, hồ sơ thủ tục cơ bản hoàn thành, chúng tôi chuẩn bị gởi đến Cục Sở hữu trí tuệ để được cấp giấy chứng nhận".
Sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể "Chuối khô Trần Hợi", Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng hoàn tất các khâu như: làm bao bì, đóng gói, mã số, mã vạch, logo hàng hoá...
"Trước đây, chúng tôi có tiếp xúc với một số siêu thị, họ chấp nhận sản phẩm chuối khô Trần Hợi, tuy nhiên, do chưa có nhãn hiệu, bao bì đóng gói nên chưa thể cung cấp cho họ được. Do vậy, tôi tin rằng sau khi hoàn tất các khâu này thì sản phẩm chuối khô Trần Hợi sẽ vào được hệ thống siêu thị", ông Hải chia sẻ./.
Kiều Oanh