Tăng trưởng tín dụng khó đạt mục tiêu Tăng trưởng tín dụng tháng 11 tại TPHCM phản ánh tín hiệu tích cực Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các ngân hàng |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo. |
Tại họp báo về triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay, năm 2023 diễn ra với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao, thương mại toàn cầu sụt giảm; ngân hàng trung ương nhiều nước tiếp tục neo giữ lãi suất điều hành ở mức cao. Trong nước, các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều gặp thách thức do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đơn hàng, thị trường sụt giảm....
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, NHNN đã nghiêm túc quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, năm 2023 đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Cũng với đó, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Đặc biệt, về tín dụng, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai. Nên đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%, nghĩa là ngành ngân hàng đang đưa vào nền kinh tế khoảng 13,6 triệu tỷ và khoảng 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2023. Mặc dù, kết quả trên thấp hơn con số mục tiêu là 14-15% nhưng theo Phó Thống đốc, mức thấp hơn không nhiều và cũng là con số tích cực trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Trước đó, theo số liệu tính đến ngày 30/11 của NHNN, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ các năm.
Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Phó Thống đốc tính toán, với mục tiêu này thì năm 2024 sẽ đưa vào nền kinh tế khoảng 2 triệu tỷ đồng. Hơn nữa, NHNN có thể đặt ra mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nếu nền kinh tế vĩ mô được kiểm soát tốt và ổn định.
Vì thế, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Nên NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
"Đặc biệt năm nay sẽ giám sát chặt chẽ dòng vốn tín dụng, kiểm soát tín dụng vào "sân sau" hay hệ sinh thái, dồn vốn cho một số tập đoàn, một số lĩnh vực. Bản chất chính là cơ cấu lại dư nợ của nền kinh tế", Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.