Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu thị trường trái phiếu doanh nghiệp | |
Doanh nghiệp dầu khí trên đà phục hồi tích cực | |
1 doanh nghiệp phát hành 75 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế |
Vinfast lập một loạt chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan để chuẩn bị cho việc ra mắt thị trường. Ảnh: ST |
“Đánh bắt xa bờ”
Trong số các DN đầu tư ra nước ngoài trong nửa đầu năm nay, nổi bật nhất là Tập đoàn Vingroup với 4 dự án đầu tư tại Pháp, Hà Lan, Canada và Singapore, đồng thời tăng vốn đầu tư ở Mỹ, Đức với tổng cộng gần 450 triệu USD. Tháng 7 vừa qua, các chi nhánh của Công ty TNHH Kinh doanh TM-DV Vinfast đã chính thức đưa các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan vào hoạt động nhằm chuẩn bị cho việc ra mắt thị trường. Theo kế hoạch, Vinfast sẽ chính thức mở bán hai mẫu ô tô điện thông minh VF e35 và VF e36 trên toàn cầu vào tháng 3/2022.
Cuối tháng 7/2021, Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) cũng công bố đầu tư vào Intertec International – DN cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin có hơn 20 năm kinh nghiệm ở châu Mỹ Latinh. Việc hợp tác này giúp FPT Software mở rộng cơ hội kinh doanh ở Mỹ nói riêng và châu Mỹ Lating nói chung, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng tại khu vực này. Trước đó, hồi đầu năm nay, FPT Software đã thành lập trung tâm sản xuất tại Costa Rica.
Trong bối cảnh các mỏ quặng sắt trong nước không còn dư dả, tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát đã mua lại thành công 100% cổ phần dự án mỏ quặng sắt Roper Valley tại Úc với trữ lượng ở mức 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm. Hiện Hòa Phát cũng đang tiếp tục nghiên cứu để mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm). Bên cạnh đó, nguyên liệu cấu thành đến 30% giá thép là than luyện cốc hiện cũng đang được Hòa Phát nhập khẩu từ Úc – thị trường cung cấp than luyện cốc lớn nhất thế giới. Hiện Hòa Phát đang nghiên cứu để thời gian tới có thể mua một vài mỏ than luyện cốc của Úc nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng năm 2021 tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm 570,1 triệu USD, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có 28 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đạt 145,3 triệu USD, bằng 70% so với cùng kỳ năm 2020 và 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm là 424,8 triệu USD, tăng 9,1 lần.
Thu trái ngọt
Các khoản đầu tư lớn kể trên đã cho thấy tham vọng của các DN tại thị trường nước ngoài, bởi trước đó có những DN Việt Nam đã đạt được thành công và ghi dấu ấn nhất định.
Cụ thể, qua 15 năm đầu tư ra nước ngoài, đến nay Tổng công ty CP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) đã hiện diện tại hàng loạt thị trường ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, Đông Nam Á. Trong đó, tại thời điểm cuối năm 2020, Viettel Global đang nắm giữ vị trí số 1 về thị phần tại 4 thị trường: Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Telemor tại Timor-Leste và Lumitel tại Burundi. Cùng với đó, Mytel tại Myanmar cũng vươn lên vị trí số 2 chỉ sau hơn 2 năm kinh doah, đạt 31% thị phần, kém nhà mạng giữ vị trí số 1 xấp xỉ 1,6%.
Trong nửa đầu năm 2021, doanh thu thuần của Viettel Global đạt 9.888 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận gộp cũng tăng 25%, đạt 4.062 tỷ đồng. Viettel Global cho biết, ngoại trừ Mytel tại Myanmar vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi chính biến lỗ tỷ giá làm giảm lợi nhuận từ công ty liên kết, còn lại hầu hết thị trường đều tăng trưởng mạnh về doanh thu. Nổi bật là Halotel tại Tanzania, Lumitel tại Burundi, Movitel tại Mozambique, Natcom tại Haiti tăng trưởng doanh thu ở mức 2 con số.
Tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần từ các chi nhánh nước ngoài của Vinamilk đạt 1.705 tỷ đồng. Cùng với đó, mảng xuất khẩu cũng mang về doanh thu thuần 2.772 tỷ đồng.
Với những thành công đã đạt được, mới đây, Vinamilk tiếp tục công bố liên doanh với Tập đoàn Del Monte Philippines (DMPI) – một công ty con của Del Monte Pacific Limited và là một công ty thực phẩm và đồ uống hàng đầu hoạt động tại Philippines. Các sản phẩm của liên doanh dự kiến sẽ chính thức ra mắt người tiêu dùng Philippines ngay trong tháng 9/2021. Vinamilk kỳ vọng liên doanh sẽ đem lại doanh thu 8,8 triệu USD (tương đương hơn 200 tỷ đồng) trong 12 tháng hoạt động đầu tiên (kể từ tháng 8/2021) và dự kiến tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng gộp bình quân là 50% trong trung hạn.
FPT cũng là cái tên nổi bật về sự thành công ở thị trường nước ngoài trong những năm qua. Trong nửa đầu năm nay, FPT thu về 11 dự án lớn có quy mô trên 5 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 2 hợp đồng đạt được quy mô tương tự. Nhờ tăng số lượng hợp đồng lớn, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài của FPT đạt 6.683 tỷ đồng, tăng 15%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.061 tỷ đồng, tăng trên 18%. Doanh thu tăng trưởng ở mọi thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ tăng tới 41%.
Việc tiến ra thị trường nước ngoài được coi là con đường tất yếu để duy trì tăng trưởng cho các DN lớn sau khi đã chiếm lĩnh đủ thị phần tại thị trường trong nước. Theo ông Lê Việt Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, nếu chỉ hoạt động ở trong nước, công ty khó giữ được đà tăng trưởng nhanh 5 năm tăng 5 lần như 30 năm trước kể từ khi thành lập. Bởi với tốc độ này, đến năm 2028, doanh thu của Hòa Bình sẽ lớn hơn tổng sản lượng cả ngành xây dựng Việt Nam năm 2019 (16 tỷ USD). Đây là điều không thể xảy ra. Do đó, việc hướng ra thị trường nước ngoài là con đường tất yếu. “Có như thế Hòa Bình mới thoát khỏi giới hạn của thị trường chật hẹp trong nước, đồng thời kéo theo nhiều DN xây dựng và vật liệu xây dựng cùng chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ liên quan xuất khẩu ra thị trường toàn cầu” – ông Hải chia sẻ.
Với định hướng đó, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án ở Canada và đang tìm hiểu, nghiên cứu thêm một số dự án khác. Hiệu quả của những dự án này sẽ là cơ sở để Hòa Bình tiến ra thị trường toàn cầu trong tương lai.
Lũy kế đến ngày 20/7/2021, Việt Nam đã có 1.423 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 21,8 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng (36,3%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,3%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (23,8%); Campuchia (13,1%); Nga (12,9%)…