【ltd nhat】Không thiếu hàng, sốt giá dịp Tết Nguyên đán
Nguồn cung hàng hóa lớn
Theo Bộ Tài chính, thị trường Tết năm nay sức mua có tăng hơn so với ngày thường, nhưng mức tăng không cao (tương đương sức mua Tết Nhâm Thìn 2012 hoặc thấp hơn chút ít). Nguyên nhân do kinh tế năm 2012 gặp khó khăn, tiền lương, tiền thưởng cuối năm giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu... Sức mua chỉ tập trung trong thời gian 4-5 ngày trước Tết (từ 25-26 Âm lịch đến 29 Âm lịch). Sau Tết hàng hóa cung ứng ra thị trường vẫn lớn. Khối lượng hàng hóa đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, hình thức đẹp, khá hấp dẫn người tiêu dùng.
Đáng chú ý, thị trường Tết hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường, chinh phục niềm tin của người tiêu dùng bằng chất lượng và mẫu mã, kiểu dáng bao bì; hàng hoá nhập khẩu phục vụ Tết giảm mạnh. Hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối hàng hóa ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo khách hàng, cạnh tranh với chợ truyền thống; mẫu mã hàng hóa phong phú đa dạng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng. Đặc biệt, giá cả hàng hóa trong siêu thị ổn định, là đối trọng giữ giá chợ truyền thống không tăng.
Các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tham gia chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường đã tổ chức nhiều hoạt động kinh doanh phong phú thu hút người tiêu dùng như tổ chức các Hội chợ Xuân ở thành phố, tổ chức các phiên chợ Việt, các chuyến hàng lưu động về nông thôn và nhiều chương trình khuyến mại... Hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức tăng thêm mạng lưới, mở thêm điểm bán hàng đến các khu dân cư, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa. Các hệ thống thương mại Coopmart, Lotte Mart, Techmart… tại TP. Hồ Chí Minh đã mở cửa bán hàng từ ngày mùng 2 Tết để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sau Tết.
Cụ thể về diễn biến giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, Bộ Tài chính cho biết, về tổng thể giá cả thị trường có nhích tăng nhẹ, nhưng giữa các nhóm hàng, mặt hàng có những biến động trái chiều nhau. Một số loại hàng hoá, dịch vụ cơ bản do Nhà nước còn điều tiết giá được giữ ổn định (điện, xăng dầu, than cho sản xuất điện, các mặt hàng được trợ cước, trợ giá, …), có loại giảm như LPG. Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá cơ bản bình ổn và thấp hơn giá thị trường khoảng từ 5 đến 15%. Giá nhóm hàng lương thực (gạo lẻ ngon, gạo nếp) ổn định; Giá nhóm hàng thực phẩm tăng nhẹ, trong đó rau xanh tại các tỉnh phía Bắc tăng (ngày 23, 24 Âm lịch) do thời tiết rét đậm, sau đó giá giảm (27, 28 Âm lịch) do thời tiết chuyển ấm hơn. Sau Tết (mùng 4, 5 Tết) giá rau xanh tăng do nguồn cung thu hẹp; nhóm thịt gia cầm (gà), gia súc (bò, lợn): tăng nhẹ những ngày cận Tết (27, 28 Âm lịch) và sau Tết (mùng 4, 5 Tết).
Đánh giá nguyên nhân giá thị trường có tăng, nhưng mức tăng nhẹ, Bộ Tài chính cho rằng đó là do sức mua thị trường không cao, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn năm trước. Về phía cung, lượng hàng hoá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo điều hành được Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp thực hiện quyết liệt, có hiệu quả nhằm bình ổn thị trường.
Nhiều biện pháp bình ổn thị trường
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BTC về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013 và Công điện chỉ đạo Sở Tài chính, Cục Thuế, Hải Quan, Kho bạc Nhà nước các tỉnh thành phố trực thuộc TW, Cục Dự trữ nhà nước khu vực và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tăng cường các mặt công tác góp phần bình ổn giá trong dịp Tết Quý Tỵ 2013.
Các địa phương đã triển khai đồng bộ giải pháp thực hiện, trong đó tập trung: Rà soát lại nguồn cung, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa trước và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 bảo đảm đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu của nhân dân, bình ổn thị trường và giá cả, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chất đốt, lương thực, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả) và các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu Tết; Tăng cường kiểm soát thị trường dịp Tết, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát giá, phòng chống cháy nổ, giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm cho nhân dân đón Tết truyền thống vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Bên cạnh đó, các biện pháp tài khóa (giảm, giãn, hoãn, miễm có thời hạn thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế môn bài, tiền thuê đất…), giải quyết khó khăn vướng mắc hỗ trợ DN, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện để DN giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, tiếp cận vốn vay mới; thực hành tiết kiệm, chi tiêu công, chống lãng phí… và các biện pháp quản lý điều hành giá, kiểm soát thị trường, kiểm tra giá đã góp phần làm giảm “sức nóng” của thị trường mỗi dịp Tết đến.
Cùng với việc tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường nhằm huy động, khai thác tối đa các nguồn hàng từ trong và ngoài tỉnh đáp ứng nhu cầu Tết Quý Tỵ, 2013, sở Tài chính và sở Công Thương các tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan, các doanh nghiệp xây dựng phương án dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn giá thị trường trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.
Theo báo cáo các địa phương gửi về Bộ Tài chính, tính đến ngày 8-2-2013 có 45 tỉnh, thành phố được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho các doanh nghiệp chủ lực trên địa bàn dự trữ hàng hóa bình ổn giá trong dịp Tết với tổng kinh phí là 1.332 tỷ đồng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, thủy hải sản, đường, rau củ, thực phẩm chế biến…
Có thể nói, trước sự chỉ đạo khẩn trương của Chính phủ ngay từ những tháng cuối năm 2012, sự vào cuộc của các địa phương và chung tay góp sức của doanh nghiệp, tình hình giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ đã được kiểm soát tốt, giá cả không tăng “nóng” theo như quy luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm 2013.
Minh Anh