【coi tỷ số bóng đá】Đồng bào Khmer khu vực rừng tràm phấn đấu thoát nghèo

Báo Cà MauAnh Trần Thanh Hiếu kiểm tra số cá bổi giống chuẩn bị cho vụ nuôi cá vào mùa mưa năm nay.

Đồng bào Khmer trên các lâm phần rừng tràm U Minh Hạ luôn tích cực lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, phấn đấu thoát nghèo. Họ không ngại khó khăn để tìm hướng sản xuất phù hợp với mảnh đất của mình, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của đất. Ngoài lao động sản xuất, bà con tích cực giữ an toàn cho rừng qua mỗi mùa khô hạn.

Tích cực lao động sản xuất

Gia đình chị Danh Thị Sinh (Ấp 13, xã Khánh Lâm, huyện U Minh) có 7 ha đất rừng, trong đó có 2 ha được khai phá để sản xuất nông nghiệp. Nhưng làm lúa bị thất mùa nhiều năm nên hầu hết diện tích này gia đình chị đã chuyển sang trồng chuối, đây là hướng chuyển dịch phù hợp với đất đai của chị.

Anh Hiếu kiểm tra số cá bổi giống chuẩn bị cho vụ nuôi cá vào mùa mưa năm nay.

“Trồng chuối cho thu nhập cao hơn và không sợ thất mùa”, người phụ nữ này cho biết. Hiện nay, mỗi tháng gia đình chị Sinh thu nhập từ 4-5 triệu đồng tiền chuối, trong đó, tiền bán bắp chuối từ 1-1,5 triệu đồng. Bắp chuối rất hút hàng, nhất là vào mùa khô hạn, bình quân mỗi bắp từ 5.000-6.000 đồng. “Cứ 1 tuần thu bắp chuối 1 lần, kiếm được vài trăm ngàn đồng. Khi hái bắp sớm, buồng chuối sẽ phát triển tốt hơn. Có lợi cả đôi đường”, chị Sinh cho biết.

Cũng theo chị Sinh, 5 ha đất rừng của gia đình đã lên liếp trồng tràm thâm canh được 3 năm, cây phát triển rất tốt, dự kiến khoảng 2 năm nữa sẽ đến lứa thu hoạch, rút ngắn thời gian khoảng 2 năm so với trồng không lên liếp và số tiền thu được cũng cao hơn.

Chàng thanh niên Khmer Trần Thanh Hiếu (tuyến kinh 93-35, xã Khánh Lâm, huyện U Minh) là thành viên tích cực giữ rừng. Ngoài bảo vệ diện tích rừng của gia đình, anh Hiếu còn hợp đồng giữ rừng cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Anh Hiếu còn biết đến là một thanh niên Khmer chí thú làm ăn. Tuy mới về lập nghiệp chưa lâu nhưng mức thu nhập của gia đình anh đã tương đương với nhiều hộ định cư lâu năm ở đây.

Anh Hiếu cho biết, mỗi năm thu nhập từ lúa, chuối, cá đồng và mật ong gần 80 triệu đồng. Năm vừa qua, anh nuôi cá bổi công nghiệp nhưng chưa thành công vì giá cá rớt thê thảm ngay thời điểm thu hoạch. Anh Hiếu cho biết thêm: “Nuôi công nghiệp cá lớn rất nhanh nhưng chi phí khá cao. Năm nào cá có giá cao thì có lời, còn giá thấp như năm rồi thì lỗ. Rút kinh nghiệm vụ trước, vụ tới này tôi sẽ nuôi bán thâm canh. Khi mưa xuống tôi sẽ bung cho cá ra ruộng tự tìm thức ăn và sinh sản. Cách nuôi này, mình sẽ giảm được chi phí mà còn tạo thêm nguồn cá giống tự nhiên”. Anh Hiếu rất tự tin với nguồn cá giống năm trước chừa lại khoảng 800 kg sẽ đủ sức để giúp anh thành công trong vụ cá bổi năm tới.

Chủ động giữ rừng

Tuy không phải là người gốc xứ rừng U Minh nhưng chàng trai Khmer Trần Thanh Hiếu đã thành thục với nghề gác kèo ong sau hơn 4 năm đến sinh sống. Do đất rừng có hạn nên anh gác chỉ 40 kèo nhưng mỗi năm thu hoạch gần 50 triệu đồng tiền mật ong. Ðây là nguồn lợi từ thiên nhiên, không cần nuôi dưỡng nhưng lại cho thu nhập rất cao.

Anh Hiếu cho biết: “Nguồn lợi rừng rất phong phú, ngoài cây tràm còn có cá đồng, mật ong và một số sản vật khác. Quyền lợi của mình ở đây thì mình phải ra sức bảo vệ”.

Chị Danh Thị Sinh cũng cho biết, điều mà gia đình chị phấn khởi là diện tích rừng của gia đình trước giờ chưa hề bị cháy. Vào mỗi mùa khô hạn, gia đình phải chia ca ra luân phiên trực lửa, luồng rừng.

Khu vực lâm phần rừng tràm do huyện U Minh quản lý hiện có hàng trăm hộ dân tộc Khmer sinh sống. Nhiều hộ đã thoát cảnh đói nghèo từ chí thú làm ăn và áp dụng phương pháp sản xuất phù hợp. Tiềm năng từ đất rừng mang lại sẽ là cơ hội để bà con đổi đời và an tâm giữ rừng. Bởi bà con nhận thức rằng, một khi diện tích rừng của gia đình bị cháy nó cũng đồng nghĩa với việc công sức, tiền của chăm sóc, đầu tư nhiều năm qua sẽ bay theo đám khói cháy rừng./.

Bài và ảnh: Khương Linh