Thượng tá Lương Xuân Hảo,íquyếttriểnkhaiĐềáncủatỉnhCaoBằsportmole Trưởng phòng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an tỉnh Cao Bằng đã chia sẻ với phóng viên Báo VietNamNet về những “bí quyết” giúp tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn này triển khai tốt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Xin ông cho biết, Công an tỉnh Cao Bằng đã có những phương án nào để triển việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, và hướng dẫn người dân từng bước tiếp cận, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử cùng ứng dụng VneID?
Thượng tá Lương Xuân Hảo: Trong quá trình tiến tới mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử thì xây dựng công dân số là điều bắt buộc thông qua việc trang bị cho người dân các công cụ cần thiết như căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh điện tử, tài khoản dịch vụ công để thực hiện các tiện ích trên môi trường điện tử.
Với vai trò là đơn vị thường trực Tổ giúp việc cho Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Cao Bằng, đơn vị đã tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh mở nhiều đợt cao điểm thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân, thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, hướng dẫn người dân tiếp cận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, yêu cầu sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến thu nhận hồ sơ căn cước công dân, định danh điện tử; thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân, chỉ đạo Công an các địa phương tập trung nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân trên địa bàn, tiến hành đối chiếu, xác minh thông tin công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các nguồn thu thập khác, đảm bảo hồ sơ đã thu nhận đầy đủ, chính xác, đúng quy định và có hiệu quả.
Hàng ngày cử cán bộ theo dõi kết quả thực hiện của Công an cấp huyện, cấp xã; kịp thời đôn đốc kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Công an các đơn vị gặp phải.
Kết quả đạt được đến nay như thế nào?
Tính đến ngày 10/12/2023, trên địa bàn tỉnh đã thu nhận được 477.628 hồ sơ căn cước công dân (Cao Bằng là tỉnh đứng thứ 22 trên toàn quốc hoàn thành chỉ tiêu Bộ công an giao); thu nhận 278.698 tài khoản định danh điện tử và kích hoạt được 245.710 tài khoản.
Việc cấp căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh điện tử được xác định là những cơ sở ban đầu, là nền tảng vững chắc nhằm hỗ trợ tối đa người dân có thể tiếp cận được với các tiện ích trên môi trường điện tử phục vụ chuyển đổi số để phát triển Đề án 06 theo lộ trình đã đề ra.
Quyết tâm hoàn thành sớm chỉ tiêu được giao
Việc triển khai thu nhận căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, có nhiều dân tộc thiểu số gặp khó khăn, trở ngại như thế nào và đơn vị đã có phương án khắc phục cụ thể ra sao?
Việc cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử ở vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn như: Bà con không ở nhà, đường xá khó đi lại, không có sóng điện thoại hoặc không có điện lưới...
Với tinh thần trách nhiệm, đơn vị đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo toàn lực lượng Công an các cấp cùng các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh quyết liệt tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân cho công dân đủ điều kiện có mặt trên địa bàn cũng như kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Với quyết tâm hoàn thành sớm chỉ tiêu Bộ Công an đề ra, các đơn vị đã dồn toàn lực, tăng ca, làm ngoài giờ với phương châm“làm hết việc chứ không hết giờ”, “dễ làm trước, khó làm sau”…, không quản ngày đêm, lễ Tết, bố trí hàng trăm lượt cán bộ với nhiều tổ công tác lưu động và cố định, chia ca, tăng giờ làm việc, tranh thủ từng giờ, từng phút đến từng nhà, vận động từng người dân đủ điều kiện đi làm căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử; Hỗ trợ phương tiện di chuyển, hỗ trợ chi phí làm căn cước công dân cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, hộ nghèo trên địa bàn…, đảm bảo không bỏ rơi ai và mọi công dân đủ điều kiện đều được cấp thẻ căn cước công dân, có tài khoản định danh điện tử.
Được biết, tỉnh Cao Bằng đã đặt mục tiêu xây dựng các “mô hình điểm” về chuyển đổi số nhằm thực hiện Đề án 06. Ông có thể chia sẻ về một số mô hình tiêu biểu nhất tới thời điểm hiện tại?
Trên cơ sở các mô hình điểm của Đề án 06 Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với 22 mô hình điểm phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Đến thời điểm hiện tại đã thực hiện được 6 mô hình và nhiều mô hình đang triển khai.
Một trong những mô hình đặc biệt nhất là “mô hình công dân số” với điểm nhấn là công tác cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử. Quá trình triển khai mô hình này thời gian qua đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân như: Giảm giấy tờ, chỉ sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thế nhiều loại giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế, thẻ ngân hàng.... Qua đó tiết kiệm thời gian thực hiện các giao dịch điện tử; giảm thiểu rủi ro để thực hiện các giao dịch thuận tiện, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ dữ liệu cá nhân; cho phép công dân được định danh trực tuyến trên môi trường điện tử, hạn chế ra quầy giao dịch.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình Minh