【số liệu thống kê về melbourne city gặp melbourne victory】Ðộc đáo quảng cáo bằng cây bẹo
(CMO) Ðối với người dân miền Tây, đặc biệt là ở vùng sông nước, chuyện mua bán, ăn ở trên ghe không còn xa lạ. Tuy nhiên, buôn bán ngành nào cũng vậy, phải có mời chào. Cách mà thương lái vùng sông nước chào hàng cũng thật đặc biệt, chỉ cần một cây sào (cây bẹo), trên đó treo những thứ cần bán, là cách để thông tin.
Cây bẹo được làm từ một cây tre, cây gỗ tuỳ ý, nhưng phải đủ dẻo dai để “cân” hết những thứ mà người bán muốn treo lên nó.
Tại Cà Mau, chợ Phường 7 là nơi tập trung mua bán của nhiều thương lái đến từ các tỉnh: Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang... Bởi nơi đây có khu dành riêng để neo đậu ghe, xuồng.
Bà Nguyễn Thị Ðáng, 56 tuổi, quê Cần Thơ, lên xuống Cà Mau làm ăn cũng hơn 20 năm, từ cái ghe tầm nhỏ nay phát triển thành 2 ghe: 1 ghe của bà và 1 ghe của con trai. Ghe chủ yếu chở trái cây từ vùng trên về Cà Mau bán. Trên ghe, những trái dưa hấu nằm xếp chồng lên nhau. Theo bà Ðáng, mùa này nắng nóng, dưa hấu được giá, tiêu thụ lại nhanh nên mấy chuyến ghe liền bà đều chở dưa hấu để bỏ sỉ và bán lẻ.
Cây bẹo như một lời mời chào mua hàng, vừa duyên dáng lại thông minh của thương lái vùng sông nước. |
Ghe trùm kín mít nên ngoài đống dưa để bán lẻ trên bờ, cách để người ta nhận biết ghe bà Ðáng bán những gì là thông qua cây bẹo, trên đó treo lủng lẳng mấy trái dưa hấu.
Nói về cây bẹo, bà Ðáng cho biết: “Cái cây này nó hay ở chỗ bán gì treo đó, khỏi phát loa rao um sùm làm phiền người khác. Chẳng hạn như chuyến này có dưa hấu thì tôi treo dưa hấu, nếu dọc đường mà cân thêm được khóm, mít hay trái gì khác... thì lấy dây cột treo lên thêm, vừa nhanh vừa gọn ai nhìn cũng thấy”.
Cũng nói về cây bẹo, bà Huỳnh Thị Nghị, quê ở huyện Thới Bình, chia sẻ: “Xuồng của tôi bán hàng bông như là rau củ quả các loại, ai “dặn” gì thì lấy đó, nhưng riêng rau thì tôi sẽ lấy thêm để bỏ cho các bạn hàng ở chợ huyện, cả Thới Bình và U Minh. Chỗ tôi lấy hàng thường nhất là huyện Vĩnh Thuận và chợ Phường 7. Neo xuồng qua một đêm để gom hàng rồi sáng về sớm. Thường thì tôi không treo nhiều hàng trên ghe, bởi rau không cũng đã hơn chục loại, nên chỉ treo tượng trưng”.
Anh Phan Văn Ðúng, thương lái tỉnh Kiên Giang, bộc bạch: “Hồi trước dân buôn bán sông nước treo cây bẹo nhiều lắm, giờ cũng vơi hẳn rồi, đa phần là lấy cái thúng, rổ cỡ lớn trong đó đựng mấy thứ cần bán. Nhưng đó là ghe chuyên chở một loại, chứ như ghe hàng bông chở đủ thứ thì chỗ đâu mà chất cho hết, vừa chiếm diện tích lại không hay bằng cây bẹo. Dùng cây bẹo, dù đứng ở xa vẫn biết trong ghe bán thứ gì, muốn mua thì tấp lại thôi”.
Những cây bẹo cứ thế lướt sóng, đón gió, oằn mình với những thứ lỉnh kỉnh trên thân, không chỉ là nơi quảng cáo, chào hàng, cây bẹo trong một số trường hợp còn trở thành cây sào để phơi quần áo, đôi khi để chống ghe những khi sắp cập bến hay rời bến...
Văn hoá buôn bán trên sông nước có nhiều nét đặc trưng và việc treo cây bẹo như một biển hiệu quảng cáo vẫn tồn tại. Dù theo năm tháng cây bẹo không còn thịnh hành như trước, nhưng chí ít vẫn là nét riêng độc đáo vừa duyên dáng, vừa dễ thương của thương lái qua nhiều thế hệ./.
Nhi Ngô