Tham dự buổi chiếu phim và giao lưu có Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn; Diễn viên NSND Bùi Bài Bình (vai Quan Thùy Trung Hậu); Đạo diễn, NSND Trần Lực (vai Nguyễn Khản); Nghệ sĩ Xuân Nguyên; Họa sĩ thiết kế Mạnh Đức; Họa sĩ thiết kế phục trang, TS. Nguyễn Thị Thu Hà; Nghệ sĩ Trần Nguyên.
“Long Thành Cầm Giả Ca”, được sản xuất nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, lấy bối cảnh lịch sử giai đoạn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Chuyện phim kể về chuyện tình diễm lệ của Tố Như (tên chữ của nhà thi hào Nguyễn Du) và Cầm, nàng ca kỹ xinh đẹp nổi danh thành Thăng Long.
Sau 15 năm, bộ phim một lần nữa được giới thiệu tới công chúng yêu điện ảnh. Trước tình cảm của khán giả dành cho tác phẩm, đạo diễn NSND Đào Bá Sơn xúc động chia sẻ, với khát vọng tìm lại những vẻ đẹp đã mất của Thăng Long xưa, tâm huyết phục hồi vẻ đẹp thuần Việt, đoàn làm phim đã phục dựng lại từ tính cách của các nhân vật đến bối cảnh, phục trang,... tất cả mọi thứ đều thuần Việt. Mọi hình bóng xuất hiện trong bộ phim là của người Việt.
Bộ phim đã khắc họa rõ nét phong tục, tập quán, nếp sống của người Thăng Long xưa qua những trò chơi dân gian quen thuộc, những câu thơ trữ tình hay những điệu hát chầu văn, ả đào, các bài đồng dao. Hình ảnh giếng làng, cây đa, quán dốc cũng được tận dụng tối đa trong phim.
Thưởng thức “Long Thành Cầm Giả Ca” trên màn ảnh lớn trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội 2024 , họa sĩ thiết kế phục trang TS. Nguyễn Thị Thu Hà bộc bạch, dù có khó khăn và vất vả nhưng với tình yêu di sản, đoàn làm phim đã tỉ mỉ tái hiện lại vẻ đẹp của ngàn năm Thăng Long, với sự tham vấn của rất nhiều nhà nghiên cứu. Đây không chỉ là niềm tự hào, hạnh phúc của riêng cô mà còn là cả đoàn làm phim.
Mang đậm chất lịch sử và những nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội xưa, bộ phim vẫn luôn để lại dấu ấn của người xem dù ở lần đầu ra mắt hay sau 15 năm.
Khán giả Thúy Hiền (sinh viên Trường Đại học Thương Mại) chia sẻ, em như được trở về quá khứ để ngắm nhìn di sản, bản sắc văn hóa của dân tộc. Bộ phim không chỉ kể chuyện tình của nhân vật Tố Như mà còn kể chuyện di sản.
Bên cạnh câu chuyện bi tráng và đầy chất thơ về mối tình giữa đại thi hào Nguyễn Du với cô Cầm ca kỹ. Có thể thấy vẻ đẹp di sản văn hóa Thăng Long xưa đã được tái hiện thành công qua bộ phim.