Ước tính hết 10 tháng mới giải ngân được hơn 51% vốn đầu tư công | |
Kiến nghị điều chuyển vốn để tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công | |
6 giải pháp trọng tâm để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công |
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng vẫn còn khá thấp. Trong ảnh: Một công trình sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước thuộc xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Thuỳ Linh |
46,44% kế hoạch
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đến hết tháng 10 đạt trên 297.774 tỷ đồng, bằng 46,44% kế hoạch và bằng 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này đạt thấp so với kế hoạch vốn giao năm 2022 và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt trên 48% kế hoạch và đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Một trong những nguyên nhân là do tháng 10/2022, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được bổ sung thêm từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là trên 38.155 tỷ đồng, bằng khoảng 6,6% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn này mới được Thủ tướng Chính phủ giao ngày 12/10/2022 nên chưa giải ngân được, do vậy đã kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp so với tổng số kế hoạch vốn giao.
“Sốt ruột” trước công tác giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác về thúc đẩy giải ngân, trong đó 4 Phó Thủ tướng làm tổ trưởng 4 tổ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng tổ thứ 5 và Bộ trưởng Bộ Tài chính là tổ trưởng tổ thứ 6. Các tổ thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, ngày 15/9, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 124/NQ-CP thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022. Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Hiện nay, không chỉ việc giải ngân vốn đầu tư công chậm mà việc giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng đang rất chậm. Vì vậy, ngày 17/10/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Chỉ thị số 19/CT- TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023. Chỉ thị nêu rõ, để tiếp tục thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 (mục tiêu giải ngân năm 2022 từ 95% - 100%) và cả giai đoạn 2021-2025, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia những tháng cuối năm 2022 và những năm sau là một trong những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, trong 2 năm 2022 - 2023, chúng ta phải giải ngân số vốn lớn hơn các năm trước (ngoài kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 còn có thêm phần vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội).
Tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngoài các đơn vị đã điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022 theo Nghị quyết số 584/NQ-UBTVQH15 ngày 31/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản đề nghị giảm kế hoạch vốn năm 2022 của 9 bộ, cơ quan trung ương với số tiền trên 5.352 tỷ đồng. Trước thực tế này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, Chỉ thị số 19/CT- TTg ngày 10/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo tại các nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện.
Tại họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ ngày 28/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, từ nay đến hết năm 2022 chỉ còn 2 tháng, do đó, thời gian để triển khai các giải pháp mới không còn nhiều. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Chính phủ kiến nghị mấy nhóm giải pháp để tích cực hơn, thực hiện quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm, hy vọng có thể đạt được con số giải ngân cao vào thời điểm 31/1/2023. Trong các giải pháp được nêu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, nhiệm vụ nền tảng quan trọng nhất là các bộ ngành, địa phương phải đôn đốc các chủ đầu tư cũng như các ban quản lý dự án và đặc biệt là các nhà thầu thực hiện vì có khối lượng thì mới giải ngân được.
Đặc biệt, liên quan đến vấn đề thủ tục, Thứ trưởng Bộ KH&ĐTđề nghị các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công khi có khối lượng, tránh rơi vào tình trạng dồn dập vào thời điểm cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 1/2023, giải ngân đồng loạt ở nhiều bộ, ngành, nhiều chủ đầu tư, nhiều ban quản lý dự án. Khi đó, sự phục vụ của hệ thống Kho bạc cũng như hệ thống hành chính rất vất vả và có thể gây nghẽn mạng, rất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Hiện có 11 bộ và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 55%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (trên 99,4%), Bình Định (79,6%), Tiền Giang (76,4%), Đồng Tháp (75,2%)… Còn 30 bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, trong đó có 19 bộ và 3 địa phương đang có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như: Bộ Giáo dục - Đào tạo (24,35); Bộ Y tế (20,73%); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (27%); tỉnh Hà Giang (trên 26%); tỉnh Phú Yên (trên 29%)… |