Dòng vốn cho doanh nghiệp bắt đầu được khơi thông Chính sách tiền tệ “ngược dòng” hỗ trợ nền kinh tế |
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM |
Thưa ông, xin ông chia sẻ đôi nét về tình hình tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM từ đầu năm 2023 đến nay?
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tín dụng trên địa bàn TPHCM đã tăng khoảng 3,5%, trong khi cả nước tăng trưởng 4,76%. Tốc độ tăng trưởng này đã được ngành ngân hàng phân tích và đánh giá là phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội. Những khó khăn về tăng trưởng kinh tế cũng như năng lực hấp thụ vốn của DN đã tác động trực tiếp tới tăng trưởng tín dụng.
Trong các tháng còn lại của năm 2023, ngành ngân hàng tại TPHCM có giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thưa ông?
Trên cơ sở các định hướng điều hành của ngân hàng trung ương, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ cho DN, cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM đang tập trung vào ba nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện tốt nhất cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng. Trong đó tập trung vào hai cơ chế chính là chính sách lãi suất và chính sách tín dụng, cơ cấu lại nợ cho DN.
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt các gói tín dụng ưu đãi, trong đó có gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ và các gói tín dụng của các tổ chức tín dụng đưa ra. Ngành ngân hàng tại TPHCM cũng tiếp tục thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, đặc biệt là tín dụng vào 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên gồm DN nhỏ vừa; công nghiệp hỗ trợ; DN xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và DN ứng dụng công nghệ cao. Đây là các nhóm ngành, lĩnh vực động lực của tăng trưởng kinh tế. Vì vậy tập trung vốn, lãi suất, tín dụng cho 5 nhóm ngành lĩnh vực này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Thứ ba, làm tốt công tác truyền thông chính sách, nhất là việc đối thoại DN, tiếp cận trực tiếp khó khăn của DN để tháo gỡ. Qua đó tạo điều kiện cho DN tiếp cận tốt nguồn vốn tín dụng, tiếp cận tốt cơ chế chính sách.
Tại các hội nghị gần đây, hầu hết các DN đều phản ánh về việc không có nhu cầu vay vốn trong giai đoạn hiện nay do vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như kẹt đơn hàng, không có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các DN cũng phản ánh là tốc độ giảm lãi suất cho vay còn thấp khiến lãi suất cho vay vẫn ở mức khá cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Chính từ những khó khăn của DN, Chính phủ và ngân hàng trung ương đã sử dụng các cơ chế chính sách để hỗ trợ DN. Tuy nhiên, để tạo ra được chuyển biến trong thời gian tới thì cần một hệ thống đồng bộ, không chỉ riêng chính sách tiền tệ, tín dụng mà còn cả chính sách tài khóa cũng như các giải pháp hỗ trợ DN của các chính quyền địa phương.
Với định hướng như vậy ngành ngân hàng đang tập trung vào hai việc. Một là tiếp tục đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho DN. Hai là đẩy mạnh thực hiện các cơ chế chính sách về lãi suất, về cơ cấu lại nợ cũng như các gói tín dụng ưu đãi và đặc biệt là trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN.
Về phía DN, cần tận dụng những cơ chế chính sách, tận dụng môi trường đầu tư thuận lợi để tiếp tục tìm kiếm thị trường, phát triển và tăng trưởng. Với những diễn biến tích cực trong thời gian gần đây, tôi nghĩ rằng DN sẽ có nhiều thuận lợi để cải thiện, vượt qua khó khăn và phát triển.
Về gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất, ngành ngân hàng đang triển khai như thế nào, thưa ông?
Ngành ngân hàng đang rất nỗ lực triển khai có hiệu quả đối với gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư số 03 của ngân hàng trung ương. Theo đó, bên cạnh việc hỗ trợ DN để giải ngân gói này theo đúng quy định, các ngân hàng cũng tích cực thu hút khách hàng, tư vấn thông tin để khách hàng nắm rõ, qua đó giúp các khách hàng, DN thuộc đối tượng được hỗ trợ có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã nhận diện được tình trạng giải ngân chậm của gói hỗ trợ này. Theo đó, nguyên nhân là do những vấn đề về mặt chính sách. Ví dụ, ngoài các điều kiện về tín dụng, các ngân hàng còn phải đánh giá khả năng phục hồi của DN. Bên cạnh đó, do đây là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nên yêu cầu phải có tính công khai, minh bạch và phải sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Điều này cũng dẫn tới tâm lý thận trọng của các DN khi tiếp cận nguồn vốn này, do lo ngại công tác thanh tra, hậu kiểm sau này.
Xin cảm ơn ông!