Ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ, chỉ đạo các đơn vị áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định, quy trình quản lý thu nợ và cưỡng chế để triển khai quyết liệt công tác thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo nhiệm vụ đã giao. Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch thu tiền nợ chi tiết hàng tháng đối với từng người nộp thuế, từng khoản thu, sắc thuế, từng địa bàn quản lý.
Với việc tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ, tính đến 30-6, tổng số tiền thuế nợ 63 Cục Thuế đã độn đốc, thu hồi được 23.515 tỷ đồng tiền nợ thuế của năm 2015 chuyển sang (tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó, bằng biện pháp quản lý nợ thu được 19.152 tỷ đồng; bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế thu được 4.362 tỷ đồng…
Đáng chú ý, một số địa phương thu nợ đạt khá so với kế hoạch như: Lai Châu đạt 98,6%; Hải Dương đạt 87,8%; Kiên Giang với 85,7%; Hà Tĩnh 80,1%; Thái Nguyên 78,3%... Riêng TP. Hồ Chí Minh thu được 6.705 tỷ đồng; TP Hà Nội thu được 7.361 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, mặc dù công tác quản lý nợ thuế những tháng đầu năm đã đạt được kết quả tích cực, nợ thuế ở một số địa bàn đã giảm xuống đạt mức dưới 5% trên tổng số thu, tuy nhiên số nợ tuyệt đối vẫn còn cao. Tính đến 30-6, tổng số tiền nợ thuế trên toàn quốc (không bao gồm nợ chờ điều chỉnh và nợ chờ xử lý) là 75.320 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về tài chính, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thậm chí thua lỗ do đó không có khả năng nộp ngân sách. Có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã tự giải thể, bỏ khỏi địa chỉ sản xuất kinh doanh, còn nợ thuế nhưng không làm thủ tục khai báo lại cho các cơ quan thuế.
Ngoài ra, còn một khó khăn khác với ngành Thuế đó là việc thực hiện một số biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý Thuế hiệu quả chưa cao do người nơ thuế không cung cấp cho cơ quan thuế đầy đủ các tài khoản có dòng tiền phát sinh, biện pháp cưỡng chế hoá đơn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khả năng dẫn đến việc không thu được nợ của doanh nghiệp.